Saturday, October 30, 2021

Viếng thăm Iceland - Từ vách núi Látrabjarg đến thác Dynjandi

Thứ Hai - Ngày 5 tháng 7, 2021

Tối hôm qua là lần đầu tiên chúng tôi ngủ ở một khu cắm trại. Trên đường đi tất cả những tiện nghi như tủ lạnh, sưởi, nước nóng đều được dùng từ bình ga. Bình ga và bình nước của xe không lớn lắm, chỉ tiện dụng cho việc nấu ăn và vệ sinh nhẹ. Đến khu cắm trại, chúng tôi sẽ có thể dùng điện để xạc cho các dụng cụ điện tử như điện thoại, pin cho máy hình, laptop, power bank... và một điều quan trọng nữa là tắm nước nóng.

Nơi chúng tôi ở có tên là Hótel Breiðavík cách vách núi Látrabjarg khoảng 12 cây số. Ngoài khu cắm trại, Hótel Breiðavík có cả nhà trọ với 42 phòng ngủ cùng 1 tiệm ăn và chỉ mở cửa từ đầu tháng Năm cho đến cuối tháng Chín rồi đóng cửa trong thời gian còn lại. Điều này dể hiều vì phần lớn du khách đến đây đều để xem puffin và đó là thời gian puffin về Látrajarg. Du khách đến Hótel Breiðavík còn có thể tự hào là mình đã đến nơi có nhà cửa và cư dân ở cực Tây của Âu Châu.

Hai người chủ của Hótel Breiðavík là ông bà Birna Mjöll Atladóttir and Keran Stuelend Ólason. Cả hai đều là dân trong vùng và họ đã trông coi khách sạn này từ năm 1999. Nói chuyện với bà chủ, chúng tôi được biết thêm là đoạn đường 612 dẫn vào khu này đóng cửa vào mùa đông vì tuyết dày đặc và đường rất khó đi, có những năm tuyết lên cao hơn nóc nhà. Chúng tôi lo lắng hỏi bà làm sao có đủ thức ăn cho cả mùa đông dài đăng đẳng, bà cho biết đã sống ở đây mấy chục năm nên đã quen trong việc chuẩn bị cho thời tiết khắc nghiệt cùa vùng này. Nghe xong cả đám phục lăn phục lóc nhất là dân Cali ít khi thấy tuyết! 

Chúng tôi dự định sáng hôm nay sẽ trở lại Látrabjarg đề chụp hình tiếp mấy chú chim puffin. Nói vậy chứ đâu có dễ gì rời Hótel Breiðavík ngay. Trên đường ra cổng cả nhóm ngừng lại chụp hình nhà thờ Breiðavíkurkirkja, Nhà thờ này được xây dựng vào năm 1900 với những điểm tương tự như nhà thờ ở Faroe Islands. Sau này tôi mới biết Faroe Islands và Iceland đều đến từ gốc Viking nên ngay cả ngôn ngữ Iceland cũng có nhiều điểm giống như ngôn ngữ của Faroe Islands.
 
Hình 3.1 - Nhà thờ Breiðavíkurkirkja

Saturday, September 25, 2021

Viếng thăm Iceland - Từ thác Kirkjufellsfoss đến vách núi Látrabjarg

Chủ Nhật - Ngày 4 tháng 7, 2021

Sau một giấc ngủ thật ngon, sáng hôm sau chúng tôi hẹn nhau dậy khoảng 7 giờ để chuẩn bị đi chụp hình. Mọi người thay phiên nhau sửa soạn và bắt đầu với một ly cà phê sữa thơm nóng cho ngày mới. Mặt trời đã lên cao từ lâu nhưng sương mù vẫn giăng đầy ở những rặng núi xa xa.

Fig 2.1 - Núi đồi phía xa trong sương mờ

Nhóm chúng tôi may mắn đến Iceland lúc nơi này vừa mở cửa trở lại cho du khách nên những địa điểm nổi tiếng tương đối vắng, không phải xếp hàng chờ đợi hay kiếm chỗ đậu xe. Thêm một điều may mắn  nữa là trước khi chúng tôi đến hai ngày, Iceland không còn bắt buộc du khách phải ở khách sạn một ngày để thử nghiệm Covid và kết quả phải âm tính mới được đi đây đó. Chúng tôi chỉ cần trình thẻ chích ngừa là xong.

Trên đường xuống thác Kirkjufellsfoss, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài người. Ngọn núi Kirkjufell bên cạnh vẫn đứng sừng sững bên kia đường nhưng ánh sáng mặt trời đã chuyển qua hướng đối diện làm tối hẳn một phần đỉnh núi.

Fig 2.2 - Núi Kirkjufell vào buổi sáng

Sáng hôm nay tôi kiên nhẫn hơn, mang theo tripod, filter để chụp một vài tấm với long exposure (phơi sáng) để có dòng nước chảy mượt mà. 

Monday, August 16, 2021

Viếng Thăm Iceland - Từ thủ đô Reykjavik đến thác Kirkjufellsfoss

Thứ Bảy - Ngày 3 tháng 7, 2021

Đầu tháng 7 năm nay, tôi có díp ghé thăm Iceland cùng 5 người bạn đồng hành, trong đó có anh chị T&Y. Tôi biết chị Y từ lúc còn học ở bên Pháp khi cả hai cùng sinh hoạt trong hội sinh viên của Đại học Orsay ở ngoại ô thành phố Paris. Mọi người hẹn gặp nhau ở phi trường Keflavík của thủ đô Reykjavik lúc 6g sáng ngày 3.7.2021. Tôi là người đến sớm nhất, còn 5 người kia bị kẹt ở phi trường Newark vì thời tiết xấu nên máy bay đến trễ gần 4 tiếng.

Iceland là một đảo quốc nằm trong vùng Châu Âu và là một trong 10 quốc gia với mật độ dân số thấp nhất thế giới. Trước đây Iceland là một phần đất của Na Uy và Đan Mạch từ năm 1262 cho đến 1944. Với chỉ hơn 360 ngàn dân, sau khi giành được độc lập, Iceland đã phát triển kinh tế mạnh mẽ và được xếp vào hạng thứ 5 trên thế giới về thu nhập bình quân cho mỗi đầu người.

Phi trường Keflavík tuy nhỏ nhưng rất bận rộn với hơn 2 triệu du khách (2.3 triệu du khách theo thống kê năm 2018) đến thăm Iceland mỗi năm trước mùa đại dịch, gấp nhiều lần dân số của Iceland. Iceland bắt đầu được mọi người chú ý đến sau trận núi lửa Eyjafjallajökull phun vào năm 2010. Tuy đây chỉ là một núi lửa nhỏ nhưng lại có tầm ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không của nhiều nước lân cận. Khói và tro từ núi lửa này lan rộng đến 20 quốc gia Âu Châu khiến các nước này phải ngưng tất cả các chuyến bay thương mại của họ trong vòng 6 ngày và đình trệ sự di chuyển của khoảng 10 triệu người.
 
Fig 1.1 - Phi trường Keflavík
 

Monday, May 31, 2021

Hoa Cung Nhân Thảo (Amaryllis)

Nhìn bình hoa người bạn cho từ tuần trước đang để trên bàn, nay hoa nở màu đỏ thật đẹp. Đặc biệt hơn nữa, trên một cánh hoa có hình cô gái hiện ra. Vì có việc phải đi nên tiện tay, tôi liền chụp hình hoa với iphone trước khi đi. Một tiếng đồng hồ sau, khi trở về, tôi lấy máy ảnh ra để chụp hình, tìm lại hoa thì không thấy cô gái đâu cả. Tôi nghĩ ánh sáng đổi chiều nên hình thể thay đổi theo. Để y bình hoa tại chỗ, hôm sau cũng vào giờ chụp hình ngày trước, tôi hy vọng chụp được hình đẹp hơn. Nhưng cô gái không hiện ra cho tôi nữa. Buồn. Rồi bận nhiều việc dù đang trong mùa Cúm Tàu, tôi quên đi chuyện hoa với người đẹp. Hơn hai tháng sau, khi có dịp xem lại ảnh đã chụp, hình cô gái làm tôi thắc mắc nên tìm hiểu thêm về hoa này. 

Hoa tên Amaryllis. Gốc tiếng Hy Lạp là Amarullis. Hoa cũng có tên rất hấp dẫn là Belladonna Lily, là Naked Lady. Người Việt gọi là hoa Cung Nhân Thảo, và bình dân hơn, là hoa Loa Kèn. 

Theo thần thoại Hy Lạp thì Amaryllis là cô gái trẻ, đẹp, ngoan, hiền. Cô si mê người chăn trừu có sức khỏe như Hercules và bảnh trai như Apollo, tên Alteo. Nhưng Alteo là người yêu hoa lạ, không chú ý đến cô. Người ta thường nghe Alteo nói chàng chỉ yêu cô gái nào đem cho chàng một hoa lạ. 

Amaryllis nghĩ phải làm sao tìm cho được loại hoa lạ chưa từng có trên đời. Nàng đi cầu vấn và được vị pháp sư của đền thờ Delphi rất linh thiêng khuyên nàng nên mặc y phục trắng, mỗi đêm trong 30 đêm liên tiếp, đến nhà Alteo, dùng mũi tên bằng vàng đâm vào tim cho máu chảy ra.

Amaryllis về làm theo. Máu của nàng chảy ra, dính trên áo, nhểu giọt, rơi và khô trên mặt đất. Đêm thứ 30 những vết máu của Amaryllis rơi từ trước đến nay trở thành những cụm hoa đỏ y như màu máu của nàng. Khi Alteo mở cửa nhà, chàng vô cùng ngạc nhiên khi thấy vô số hoa rất lạ mà chàng chưa thấy bao giờ. Hoa có màu đỏ rực, bao quanh Amaryllis. Áo của Amaryllis cũng đỏ như như màu hoa. Alteo được thỏa thích yêu hoa lạ và yêu cả người đẹp đang ở giữa vòng hoa tươi. Tim của Amaryllis được lành các vết đâm và chuyển qua tiết nhịp mới.

Hoa Amaryllis

Phượng Vỹ by Trần Minh Vàng