Trong hai ngày đầu tiên ở Faroe Islands, nhóm chúng tôi dừng chân ở
khách sạn Runavik (điểm số #3 trên bản đồ) nằm phía Nam của đảo Esturoy.
Đây là khách sạn duy nhất của hải cảng Runavik nên khi nghe nói chúng
tôi đang ở khách sạn, mọi người đều biết ngay đó là khách sạn Runavik.
Từ phi trường để đến Runavik, chúng tôi lái xe qua một đường hầm ngầm
dưới biển dài khoảng 5km nối liền hai đảo Vágar và Streymoy rồi sau đó
phải băng qua cầu Streymin Bridge để đến đảo Esturoy. Nếu chỉ lái qua
cầu mà chưa biết lai lịch của cây cầu này thì thấy nó rất tầm thường,
không có gì đáng chú ý cả vì kiến trúc đã không có gì đặc sắc mà chỉ dài
có 220m. Tuy vậy cầu Streymin thường được gọi đùa là "Cây cầu bắc qua
Đại Tây Dương" (Bridge over the Atlantic). Là cây cầu duy nhất nối liền
hai mảnh đất khác nhau trên biển ĐạiTây Dương của Faroe Islands, cầu
Streymin là một trong vài cây cầu hiếm hoi trên thế giới thuộc loại này.
Vào tháng Sáu năm 2018, Faroe Islands đang thực hiện một đường hầm dưới biển dài khoảng
11km nối liền những thành phố ở phía Nam của hai đảo Streymoy và
Esturoy. Được biết việc thực hiện đường hầm này sẽ mất khoảng 4-5 năm và
dự định hoàn thành vào đầu năm 2021 với kinh phí khoảng 1 tỉ tiền Đan Mạch. So với việc xây cất hầm cầu
Thủ Thiêm thì thời gian thực hiện này rất ngắn vì hầm cầu Thủy Thiêm dài
cỡ 1.5km nhưng lại mất khoảng 7 năm mới xong. Sau khi xong hầm cầu mới,
nhiều đoạn đường trước đây phải mất hơn 1 tiếng đế lái qua sẽ giảm
xuống còn 10-15 phút.
Từ phòng tôi nhìn ra vịnh, bên trái là một dòng suối xinh xắn với nước
chảy róc rách, bên phải và một cái eo nhỏ của hải cảng Runavik với khá
nhiều tàu đánh cá. Tuy hải cảng không được nên thơ lắm và sáng sớm đã ra
khỏi khách sạn để đến tối khuya mới về, được ngắm nhìn cảnh mây nước
bao la từ cửa sổ phòng mình, lòng bỗng thấy an bình và quên đi những bận
rộn trước khi đến.
Hôm sau chúng tôi hẹn gặp nhau ăn điểm tâm ở phòng ăn của khách sạn lúc
7g sáng để chuẩn bị lên đường lúc 8g. Theo chương trình ngày hôm nay chúng tôi sẽ ghé đến hai hòn đảo Kalsoy
và Kunoy để thăm viếng một số ngôi làng như Trollanes, Húsar, Mikladalur
và Kunoy theo lộ trình trong bản đồ dưới đây bắt đầu từ khách sạn
Runavik (điểm số #3). Hai hòn đảo này có thể được tạm dịch là Nam Đảo và
Nữ Đảo (Kalsoy - Man Island, Kunoy - Woman Island).
Rời khách sạn chúng tôi lái xe đến bến Klaksvik thuộc đảo Borðoy (điểm
số #5) đế lấy phà đi qua bến Syðradalur của đảo Kalsoy (điểm số #6). Nếu
hụt một chuyến thì phải đợi từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng mới có chuyến
kế vì vậy nên chúng tôi cố gắng đến sớm. Xe lên phà, chúng tôi xuống xe
để có thế ngắm cảnh dọc đường. Vì là quần đảo nên Faroe Islands có rất
nhiều hải đăng. Phần lớn là những hải đăng nhỏ dọc theo biển hay trên
đỉnh núi.
Khi thuyền vừa cặp bến, chúng tôi có dịp thấy cách người ta thuyên
chuyển cá hồi con từ chỗ nuôi trong nhà ra trại ngoài biển. Theo lời
Ólavur, cứ ba bốn vòng lưới nuôi cá lại có một cái thuyền thức ăn đậu ở
đó và cách vài tiếng thuyền lại tự động thả thức ăn cho cá.
Ở Faroe Islands, việc nhìn thấy một hai căn nhà chơi vơi ở giữa quãng
đồng rộng mênh mông là chuyện thường. Cũng như mọi người, tôi thắc mắc
về chuyện điện nước ở những nơi này như thế nào và được Ólavur cho biết
tất cả đều có điện nước do thành phố dẫn tới mà không tốn thêm một chi
phí phụ trội nào. Từ hôm qua cho đến hôm nay tôi không hề thấy hệ thống
cột điện hay dây điện dẫn đến các làng mạc. Có lẽ hệ thống dây điện được
dẫn dưới mặt đất. Điều này cũng dễ hiểu, với những cơn gió mạnh mẽ của
mùa Đông ở nơi đây, dẫn điện dưới mặt đất về lâu về dài vừa an toàn lại
vừa ít tốn kém trong việc bảo trì do bão tố gây ra.
Cũng như những nước Bắc Âu, ở nơi này có rất nhiều nhà với mái cỏ tuyệt
đẹp. Giá mà tôi đến đây hai tuần sau đó thì căn nhà trong hình dưới đây
sẽ nổi bật trên thảm hoa vàng. Được biết có hai lý do khiến người ta
trồng cỏ trên mái nhà. Lý do thứ nhất là để giảm tiếng động khi trời mưa
xuống và kế đó là để giữ hơi ấm trong nhà vào mùa đông. Loại cỏ này chỉ
cao như vậy nên không phải lo chuyện cắt cỏ.
Ngôi làng Trollanes (#7) là điểm dừng đầu tiên của chúng tôi trong
chuyến đi hôm nay. Nằm sát ngay bờ biển, Trollanes chỉ có hơn 10 căn nhà
với ba gia đình khoảng 20 người dân. Mỗi gia đình sơn nhà một màu khác
nhau: đỏ, đen và trắng. Nếu nhìn từ phía biển vào, gia đình nhà màu đỏ
làm chủ khu đất bên tay phải, chủ nhà màu trắng có khu đất ở giữa và chủ
nhà màu đen có khu đất bên trái. Và dĩ nhiên cửa vào đất của họ cũng
sơn những màu tương tự.
Ngôi làng này được biết đến với ngọn hải đăng Kallur nằm ở vị thế rất
đẹp mà những người thích đi hiking hay chụp hình sẽ muốn được đến đây
xem tận mắt hay chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Muốn đi đến ngọn hải đăng
này, chúng tôi phải đi vào đất của gia đình có nhà màu đỏ.
![]() |
Ngôi làng Trollanes nhìn từ trên cao sau một đoạn hiking |
![]() |
Bên dòng suối nhỏ |
Trước đó, Ólavur đã liên lạc với anh chủ nhà để làm hướng dẫn viên cho
chúng tôi vì đường đi đến hải đăng Kallur không có đánh dấu gì cả. Bà vợ
ông Bruce nghe nói phải leo dốc khoảng 2-3 cây số mới tới nơi, bà quyết
định ngồi dưới xe nên chỉ có ông Oliver, Ólavur, ông Bruce và tôi khệ
nệ mang máy hình đi lên đó.
Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều chú cừu nhởn nhơ ăn cỏ trên sướn
núi. Riêng gia đình này, hàng năm họ chỉ nuôi khoảng 450 con cừu mặc dù
đất rất rộng. Lý do họ phải giới hạn như vậy là vì mùa đông họ không có
đủ thức ăn cho cừu hoặc có đủ chỗ trú cho chúng lúc thời tiết thật khắc
nghiệt.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được chân của ngọn hải đăng Kallur, nhưng
chưa hết đâu, muốn chụp hình đẹp phải đi qua đến đỉnh đồi bên kia chụp
lại.
Nhìn đoạn đường trước mặt với con dốc trơn trợt và đôi giầy đế bằng của
mình, tôi thật ngại ngùng với cái viễn ảnh có thể té xuống cái dốc hai
bên. Thôi thì đành chọn giải pháp an toàn, ở lại phía bên này và không
tiếc chuyện bỏ lỡ cơ hội chụp được một tấm hình đẹp.
Không biết từ lúc nào tôi trở nên nhát gan, sợ té hết cỡ! Chỗ chênh
vênh bên sườn núi, sát biển cũng không dám xuống luôn. Giá không phải
mang cái máy hình nặng chịch, giá có đôi giầy chắc ăn thì thế nào cũng
theo chân mọi người tới nơi tới chốn luôn.
Sau khi chụp hình ở Trollanes, chúng tôi trực chỉ đến nhà của một người
nào đó ở làng Húsar dùng cơm trưa vì ở đảo này không có tiệm ăn nào cả.
Sau đoạn leo dốc vừa rồi, ai cũng đói meo, mong được ăn trưa càng sớm
càng tốt. Không ngờ vì hiểu lầm về giờ giấc, nên chủ nhà lại đi vắng,
không chuẩn bị thức ăn cho chúng tôi như đã định.
Xin đọc tiếp vào kỳ tới để biết buổi ăn trưa của đoàn chúng tôi được giải quyết như thế nào và đoạn đường tiếp của ngày hôm nay.
Trần Dzung
Tháng Tám, 2018
No comments:
Post a Comment