Sunday, October 4, 2020

Có Những Ánh Mắt

Hôm đầu tháng Chín, các bạn ảnh đã xem qua bài Say Trong Ánh Mắt. Hôm nay chúng ta cũng xem ánh mắt nhưng dưới khía cạnh khác.

Thông thường người ảnh hay chụp ảnh người. Nhiều khi thấy người quá lớn, họ cắt bớt phân nửa, còn nửa người. Nửa người vẫn còn lớn, họ rút xuống chỉ còn cái đầu. Khi đầu vẫn còn lớn, họ rút xuống chỉ còn cặp mắt. Khi hai mắt là nhiều quá, là dư thừa, người ảnh chỉ chụp hình một mắt cũng đủ nói lên điều họ muốn người xem ảnh thấy.

Ánh Mắt - Lê Văn Khoa

 

Trong hình trên tôi chỉ dùng hai mắt một thiếu nữ để phù hợp với câu chuyện tôi viết lúc đó mà không cần bất cứ bộ phận nào khác trên thân người, vì người ta có nói “mắt là cửa sổ của linh hồn”. Nhìn cặp mắt người nào, ta có thể thấy được ý tưởng của người đó. Những nét vui, buồn, giận hờn, yêu, ghét, đe dọa, chân thật, gian dối v.v... lộ ra.

Trong những năm gần đây, trên đấu trường nhiếp ảnh thế giới có xuất hiện nhiều ảnh dự thi chỉ chú ý vào cặp mắt, hoặc một mắt người. Tôi thấy đây là một ý hay nên giới thiệu với các bạn một số ảnh về mắt người.

Bạn nghĩ gì với ảnh “A Photographer’s View” (Khoé Nhìn của Một Nhiếp Ảnh Gia) của nhiếp ảnh gia Antoinis Engrafou, người đảo Cyprus, Hy Lạp. Mời bạn xem ảnh sau đây.

Tên ảnh không cho ta thấy tâm tình, nội dung hay ẩn ý gì của người chụp hình cũng như người được chụp hình. Ðây là một ảnh chụp gần, thật gần mặt người đẹp, thu gọn vào đôi mắt nâu. Ta biết người mẫu còn rất trẻ. Vết chân chim quanh mắt đã được “dọn dẹp” kỹ lưỡng. Trang điểm thật tốt. Ảnh thật rõ. Chi tiết của lông mày, lông nheo, của mắt thật rõ. Nhờ đó ta thấy kỹ thuật trang điểm cao, tất cả màu sắc hợp với màu mắt và kỹ thuật chấm hình cũng cao.

A Photographer's View - Antoinis Engrafou
 

Mắt của người mẫu thật trong, không có gân máu đỏ nơi tròng trắng. Tròng đen phản chiếu rõ nhiếp ảnh gia đang hành nghề. Ánh mắt hiền dịu nhưng không nói được nhiều. Trong ảnh này ta thấy được khoảng rộng hơn là hai mắt, giúp ta tưởng tượng ra khuôn mặt của người mẫu phải có hình dáng ra sao.

Hình thứ ba cho ta thấy cặp mắt của người phụ nữ không còn trẻ. Mặt nạ đen che hết phần còn lại của mặt và có thể vải bọc che đen toàn người, lối y phục của người Trung Đông. 

A Thousang Stories - Faical Alamalki

Cũng chỉ thấy hai mắt, nhưng hai mắt trong tác phẩm “A Photographer’s View” thì thoáng, cởi mở. Hai mắt trong “A Thousand Stories” của Faical Alamalki, người Á Rạp Saudi không cho ta một ấn tượng tốt. Bịt mặt là để che giấu, không muốn người khác biết hay thấy trọn mặt để dễ nhận diện, thường đi chung với việc làm bất chính trong thế giới bình thường. Nhưng với người Á Rạp thì khác hơn. Tên của tác phẩm gợi sự tò mò cho người xem. “Một Nghìn Chuyện Ðể Kể” chứng tỏ cặp mắt này đã chứng kiến rất nhiều, không ở trong tư thế nhân chứng mà là ở thế của người hành động. Cặp mắt này không lộ thiện cảm và cũng không có thần khí. Mắt không lộ phản chiếu hình dáng của người chụp hình, khó truy tầm nhiếp ảnh gia. Ở trong thời đại bạo động của người Á Rạp hiện nay, mắt của người bịt mặt được chụp trong thế giới Á Rạp không cho tôi thoải mái để nhìn. Tôi không muốn nhìn lâu và không muốn biết nghìn chuyện của người có thể kể lại là chuyện gì.

Căp mắt của một người đẹp khác, tôi nhìn và cảm thấy e dè. Nhiếp ảnh gia chỉ cho ánh sáng chiếu vào cặp mắt của một bà có vẻ quí phái nhưng không hiền. Cái nhìn đầy đe dọa chứ không dịu dàng. Khóe nhìn không lộ chút nào thân thiện hay thương yêu, làm cho người đối diện không dám tiến tới. Lông mày nhíu lại, cặp mắt trợn lên, lòng đen nâng lên cao lộ ý bực tức, cảnh cáo, dữ dằn và đe dọa. Tác giả Mehmet Turgut, người xứ Thổ, đã nhận thấy điều đó và đặt tên tác phẩm mình là “Arsenic” (Thạch Tín). Thạch tín là tên của một chất hóa học cực độc, không nên mó tới. Tác giả ngụ ý đây là người cực ác, không nên dây dưa vào?

Nói về ảnh thì tác giả chụp ảnh này rất khéo. Toàn ảnh đều màu đen và xám. Không chỗ nào thực sự trắng, tạo không khí âm u, ghê rợn. Dù người mẫu là một phụ nữ đẹp, ta vẫn không thấy thoải mái. Hai tay mang bao tay đen ôm mặt làm cho mặt của cô thon gọn. Phần vải lưới xòe ra hai bên giúp cho ảnh dịu bớt khối lượng đen nặng nề của người ở giữa ảnh.

Arsenic - Mehmet Turgut

Về bố cục, ta thấy mặt người mẫu được đặt vào giữa ảnh nhưng không nghịch mắt vì phần sáng của ảnh, tức vùng chủ điểm của ảnh nằm vào vị trí một phần ba trên của ảnh. Xin chú ý đến vị trí của hai bàn tay, của rèm thưa và màu sắc của hai bên ảnh đều ở trong thế cân đối chứ không cân bằng giúp ảnh thuận lý mà không quá nặng về sắp xếp.

Qua các ảnh trên ta chỉ thấy một phần nào của mặt người đẹp. Nhưng ta thấy được hai mắt. Trong ảnh sau đây ta thấy được nhiều hơn về người đẹp, nhưng chỉ còn một mắt người.

Tác giả đã dùng hai miếng lụa dài màu đỏ và vàng để làm màn che người đẹp khỏa thân. Màn có gió thổi bung và gần ống kính nên mờ, để lộ cô gái ngồi phía sau được thấy rõ. Ðó là chủ ý của người chụp hình. Cánh tay mặt gát lên cao để lộ một phần ngực đầy đặn của cô gái trẻ. Vì muốn khoe ngực nên cánh tay đã thành một cản trở khó chịu, chướng mắt. Phần mặt không bị che khuất cho ta thấy cô gái không đẹp lắm và mặt khá tròn. Ước gì không có cánh tay ở vị trí đó, hoặc cắt bỏ luôn phần dưới của ảnh, tôi thấy dễ chịu hơn. Nếu cắt bớt ảnh, chỉ chừa lại một phần nhỏ của cánh tay, để phần sáng của cánh tay không phá gương mặt cô gái.

Orange - Brake Mieli Rissner

Các bạn thử xem nên cắt tới đâu thì thuận mắt.

Tác giả cố ý dùng hai miếng lụa màu cho ảnh, nhưng không khéo trong việc kiểm soát ánh sáng để mặt và tóc bị chìm trong sự phản chiếu của màu đỏ. Mắt đỏ nhưng lông lộ đỏ vì khát khao dục tình hay vì bị dày vò thân xác nên kém lôi cuốn người xem. Mặt bị tối hơn ngực có thể do chủ ý của tác giả, nhưng cánh tay đã làm hỏng toàn bộ ảnh này.

Ảnh có tên “Orange” do nhiếp ảnh gia Brake Mieli Rissner của nước Áo thực hiện. Orange là màu cam? Nhưng trong ảnh chỉ màu đỏ và vàng khống chế chứ không thấy màu cam. Hay tác giả cho ta trộn hai màu đỏ và vàng lại thành màu cam? Hay người đẹp tên “Nàng Cam”? Ta không rõ. Như đã nói từ các bài trước, tên ảnh không ảnh hưởng đến giá trị của ảnh. Nếu tên nói lên được nội dung của ảnh, hay giúp người xem biết mình muốn nói gì qua ảnh, sẽ dễ thành công hơn, như ảnh sau đây.

Một mắt đối lại một mắt. Ảnh đàn bà và trẻ con đồng nghĩa với nhau trên điểm người ta thích xem và trân quý. Một phụ nữ khóc hay một trẻ em khóc dễ gây xúc động cho người xem hơn một người đàn ông khóc.

Ảnh sau đây của Max Kong-A-Siou ở Neukaledonien cho ta đi vào một thế giới khác. Trước hết tôi nghĩ các bạn cũng lúng túng như tôi khi đọc tên một vùng đất hoàn toàn xa lạ với mình.

Neukaledonien là tên hòn đảo ở về hướng Ðông Bắc Úc Châu. Ảnh của Max Kong-A-Siou mà ta xem đây có tên “Hard Childhood”. Mới nhìn vào ta thấy đây là một ảnh dễ thương của trẻ con. Bé sợ, không dám nhìn thẳng nhưng vẫn muốn biết là cái gì làm cho bé sợ, nên che mặt, mà chỉ một phần thôi. Con mắt em lộ vẻ sợ nhưng vẫn nhìn chứ không tránh đi. Bạn nghĩ em sợ gì? Tôi biết em sợ người chụp ảnh và ống kính máy ảnh đang chỉa vào em.

Thọat đầu cái nhìn của tôi và cái nhìn của tác giả khác nhau. Nhưng tên của tác phẩm là Hard Childhood làm tôi phải xem lại ảnh này. Ðứa bé che mặt bằng hai tay nên tay là dấu vết để lộ nó thuộc thành phần nào trong xã hội.

Dù vẫn thấy mặt đứa bé nhưng bây giờ con mắt không đáng chú ý đến nữa. Tôi nhìn hai bàn tay của bé. Hai bàn tay và 10 ngón tay có vẻ bị sưng phù hơn là béo mũm mĩm. Ngực áo lem luốc làm tôi nghĩ hai tay bé bị dính bụi đất nên dơ dáy. Nhưng nhìn kỹ hơn thì không phải vậy, vì các móng tay của bé đều được cắt ngắn và sạch sẻ. Có lẽ bé bị bệnh, có rất nhiều mụt đen trên lưng hai bàn tay.

Hard Childhood - Max Kong-A-Siou
 

Nhìn chung ta thấy tóc, hai tay, áo mặc của đứa bé vùng hải đảo này có cuộc sống cơ cực, nghèo khó, mà tác giả đặt tên cho ảnh với sự hiểu biết và lòng thương yêu, nói lên được hoàn cảnh của đa bé thơ này.

Tôi nghĩ các ảnh này có thể giúp ý để các bạn khai thác thêm những đề tài nhiếp ảnh khác.

 Lê Văn Khoa

1 comment:

  1. Cám ơn NAG Lê Văn Khoa đã phân tích và nhấn mạnh những đặc điểm của mỗi tấm hình để chúng tôi có dịp học hỏi thêm.
    Riêng tấm Orange , tôi muốn crop một tý phía bên trái và phía dưới cắt tới hết cánh tay cô gái thôi.

    ReplyDelete