Friday, October 27, 2017

Thêm Một Bài Học

Rất thực tế dù ở trong gia đình, trong học đường, trong đoàn thể, hay bất cứ sinh hoạt nào ngoài xã hội, ta đều thấy con người có những ý thích khác nhau, trình độ hiểu biết khác nhau v.v... Giới nhiếp ảnh không ra ngoài thực trạng này.

Nếu bạn là người chụp hình, có bao giờ bạn đem hình của mình đi hỏi ý một nhiếp ảnh gia, rồi sau đó đem cũng hình đó đi hỏi ý một nhiếp ảnh gia khác chăng? Bạn có thấy hai người cho bạn hai ý kiến khác nhau không? Ảnh thuộc phạm vi nghệ thuật, cách nhận xét có vẻ phóng túng, rộng rãi hơn khoa học nên ý kiến khác nhau là việc thường. 

Bạn có bao giờ nghe nói trường hợp bệnh ngặt, người bệnh nên hỏi ý ba bác sĩ khác nhau trước khi quyết định theo phương pháp trị bệnh nào? Ở đây thuần khoa học chứ không phải nghệ thuật, nhưng kết quả chẩn bệnh cũng có khác nhau.

Người chụp ảnh có trình độ nghệ thuật khác nhau. Người xem ảnh có trình độ khác nhau. Người chấm thi ảnh cũng có trình độ khác nhau. Trong bất kỳ cuộc thi ảnh lớn nhỏ nào cũng có những bất đồng ý kiến giữa các giám khảo, vì vậy ban chấm thi thường có số lẻ.
Trong một cuộc thi ảnh lớn gần đây do ban tổ chức ở Áo thực hiện cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế có tên Al Thani, cho khối Á Rạp làm hội chủ, cho ta một bài học quan trọng về việc xem ảnh. Vì là cuộc thi ảnh lớn mà giải nhất được đến 10.000 đô la Hoa Kỳ và nhiều giải thưởng khác, nên có rất nhiều người dự thi. Số tác phẩm tham dự không dưới 50.000 ảnh. Với số lượng như vậy, mỗi tác phẩm chỉ xuất hiện trước ban chấm thi không quá 3 giây ở các vòng loại. Thử tính sơ giám khảo phải làm việc liên tục, không ăn uống, không nghỉ, không đi nhà vệ sinh cũng phải trên 41 tiếng đồng hồ mới xem xong một vòng ảnh. Với 3 giây, ảnh của bạn phải có gì hấp dẫn đủ mới thoát vòng loại. Nếu ảnh của thí sinh được vào chung kết, ảnh phải thật đặc biệt.  Khi vào chung kết, giám khảo có thì giờ để bình phẩm hay bênh vực tác phẩm mình chọn. Ðây cũng là việc làm thông thường trong tất cả các cuộc thi ảnh lớn nhỏ khắp nơiVới mục đích chỉ rút một bài học từ một tác phẩm trong cuộc thi ảnh rất lớn nói trên và vì tôn trọng tác giả cũng như giám khảo, tôi xin miễn nêu tên giám khảo cũng như tên người dự thi. Chỉ mượn tác phẩm và sự việc xảy ra để chia sẻ với bạn ảnh.

Trong vòng chung kết của cuộc thi nói trên, hầu hết giám khảo đều đồng ý cho tác phẩm theo đây xứng đáng để chiếm giải nhất, vì ảnh có sự diễn tả xuất thần. Hình Chúa Giê-su đội vòng gai, giận dữ đập bàn đến sách kinh và quả táo bật lên khỏi mặt bàn. Tác giả kể như nắm chắc đến 95% số tiền thưởng $10.000,00 nếu không vì giám khảo XXX (xin miễn nêu tên).


Giám khảo XXX nêu lên hai điểm sai để bác bỏ giải thưởng:

1.- Khi đã bị đội mão gai, Chúa không có cơ hội ngồi lại bàn để nổi thịnh nộ.
2.- Bóng của quả táo đổ lên mặt bàn không hợp với chiều hướng của luồng ánh sáng chính, là từ trên cao chiếu thẳng xuống.

Tôi nghĩ chắc chắn có người trong ban chấm thi kể lại chuyện này cho tác giả bức ảnh nên tác giả đổi lại chiều hướng bóng đổ của quả táo khi ảnh được in trong cuốn tổng mục ảnh triển lãm.

 (ảnh in trong quyển tổng mục, chú ý bóng của quả táo)

Theo tôi, có rất nhiều vấn đề chung quanh ảnh này cần xét lại chứ không phải chỉ có hai điểm nêu trên. 

Trước hết tôi có lời khen tác giả có công ghép hình để diễn tả một câu chuyện trong Kinh Thánh.

Riêng với ban chấm thi, tôi nghĩ việc đầu tiên quý vị phải lưu ý là mình làm việc với sự ủy thác của ban tổ chức. Ban tổ chức thực hiện việc của người Á-Rạp chủ trì, tức theo tôn chỉ của người Á Rạp. Từ ngàn xưa, người Á-Rạp và người Do Thái không thuận nhau, có thể nói họ là những kẻ thù không đội chung trời. Vì vậy việc cấp giải thưởng cho tác phẩm đề cao một nhân vật Do Thái là việc không thể được người Á-Rạp chấp nhận. Ðó là việc giám khảo phải để ý trước tiên. Thế mà các ông không lưu ý.

Bạn có thể lý luận: Ðây là cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế. Giám khảo phải tôn trọng nghệ thuật.

Bạn quên câu: “Nhập gia tùy tục” rồi sao? Trong cuộc thi này tất cả ảnh khỏa thân nghệ thuật đã bị loại bỏ hết từ đầu kia mà. 

Do Thái Giáo và Hồi Giáo không thể hòa trộn nhau được. Những giám khảo ủng hộ tác phẩm quay qua hỏi ý vị hoàng tử Á Rạp, người giám sát cuộc chấm thi từ đầu và là người sẽ đại diện các quốc gia tổ chức cuộc thi để chi tiền cho toàn thể cuộc thi. Hoàng tử ra hiệu không cấp giải thưởng cho ảnh này. Thế là $10.000,00 tiền thưởng không thể đến tay tác giả. Không lý nào người Á Rạp đem 10.000,00 đô la Hoa Kỳ thưởng cho người lạ nào đó, tạo tác phẩm vinh danh một người Do Thái, là kẻ thù của mình.

Tạm gát điểm tôn giáo và chánh trị sang một bên. Tôi có vài điều muốn được học hỏi với ban chấm thi:

1.- Có phải một trong các thành viên ban chấm thi là tác giả của ảnh đó? Nếu không, ông là người rất thân và đã góp ý rất nhiều với tác giả, do đó ảnh in trong catalog có bóng đổ lên mặt bàn khác hơn ảnh dự thi, tức phải có người trong cuộc bảo tác giả chỉnh lại theo lời nhận xét của giám khảo XXX nêu ra trong khi chấm thi. Tác giả là người chỉ biết làm theo? 

2.- Các ông nghe lời (có vẻ đúng) của giám khảo XXX, bị lung lạc và đồng thuận với ông ấy. Nhưng các ông có xem kỹ quả táo nhận ánh sáng từ đâu để có bóng đổ xuống đâu không? Các ông có thấy bên sáng và bên tối của cây đèn bạch lạp, hai cánh tay, mái tóc và gương mặt của người mẫu không? Ánh sáng từ hướng nào?

3.- Phải chăng trong cuộc thi này không có nhiều ảnh trội, nên khi các ông thấy sự diễn tả của người mẫu dữ dội quá, các ông quên hết hay bỏ qua những chi tiết khác?

4.- Như giám khảo XXX đã nêu và các ông bị thuyết phục, khi bị đội mão gai Chúa Giê-Su không có cơ hội ngồi một mình tự do nơi bàn để nổi thịnh nộ, như vậy cảnh và sự diễn tả này đúng hay sai?
Tôi thấy ngoài điểm đó ra còn những điểm hết sức quan trọng khác mà ban chấm thi không nhận ra, không nghĩ đến, hay... không biết: 

5.- Thời Chúa Giê-Su ở trên mặt đất, con người chưa có sách đóng thành quyển dầy như sách trong ảnh này. Họ dùng chỉ thảo papyrus hoặc da thú cuốn tròn từ trái qua mặt hay ngược lại. Như vậy tác giả đem quyển sách tân thời vào ảnh kể chuyện cổ xưa, kéo nó lên trên 1000 năm trước khi loại sách này xuất hiện trên đia cầu, là việc làm hoàn toàn sai! Thời đó có vải dệt và cắt may lối tân thời chưa? Có tường quét vôi chưa? Có lối vẽ phá phách trên tường chưa? Và nhiều câu hỏi khác v. v. . .

6.- Chụp hình hai vật bị động thật mạnh đến bị tung lên khỏi mặt bàn là quyển sách và quả táo mà cả hai đều bị bắt đứng yên là kém nghệ thuật rồi. Nếu hai vật trước đó được đặt trên mặt bàn, bị bắn tung lên cùng lúc, tại sao quyển sách và quả táo nhận ánh sáng từ hai hướng hơi khác nhau? Thử quan sát hướng ánh sáng ghi trên hai vật và bóng đen bên dưới.

7.- Hai cánh tay người đập mạnh xuống mặt bàn mạnh đến quyển sách chắc chắn nặng hơn 1 kí-lô và quả táo trên bàn bị bắn cao lên như thế, thì mặt bàn không thể là vật cứng, chắc chắn sẽ rung chuyển rất mạnh và kéo dài rất lâu. Đâu là dấu vết của việc này? Nếu mặt bàn là vật cứng thì nó bị bể nát rồi. Nhưng tất cả còn nguyên, kể cả vết nhăn của vải trải bàn, không máy động.

8.- Toàn ảnh đều diễn tả nét động mãnh liệt, từ nội tâm đến cảnh vật, rất tiếc trong hình tất cả chi tiết đều không có dấu vết của sự lay động dù rất nhỏ, mà điều đó là sự cần thiết hàng đầu, thì tính chất nghệ thuật của ảnh có hay không? 

9.- Cây đèn bạch lạp và hòn đá dằn giấy bên góc trái không chút nhúc nhích trong khi quyển sách và trái táo tung lên khá cao, có lý hay không? Tôi thấy hai vật ấy phá hơn là có lợi cho ảnh.

10.- Với ảnh đã được sửa lại, tác giả tạo ánh sáng thẳng từ trên đổ xuống để có bóng từ trái táo và quyển sách đổ xuống mặt bàn. Chắc chắn trái táo nhẹ, gọn hơn quyển sách nhưng trái táo không bắn lên cao hơn quyển sách là không hợp lý. 

11.- Hình trái táo gần mặt bàn hơn quyển sách, nhưng bóng của trái táo dợt hơn và không rõ quầng tối như quyển sách lại càng không hợp lý.

12.- Bóng đen của quả táo đáng lý phải lớn hơn quả táo, ở đây nó nhỏ hơn. Tại sao? 

13.- Tại sao toàn mặt bàn vải (hay là da thú) thật rõ, nhưng chỗ bóng đổ của quả táo thì nhòe (theo hình in trong quyển tổng mục)? 

14.- Quyển sách là khối chữ nhật, tại sao bóng đổ lại tròn (bầu dục) giống quả táo?

15.- Và nếu ánh sáng thẳng từ trên xuống, làm sao giải thích được phần bóng tối trên mặt bàn, từ quyển sách đến cánh tay người, phía mặt của ảnh?

16.- Nếu ánh sáng thẳng từ trên cao với độ sáng mạnh, tỏa rộng, để có thể tạo bóng đổ đậm, sắc nét, tại sao mặt người không bị ảnh hưởng của luồng sáng đó? Không có bóng đen nơi hốc mắt, dưới mũi và dưới cằm, không có điểm sáng mạnh trên đỉnh đầu. 

17. Chuyện xảy ra ban đêm mà đèn bạch lạp không được đốt sáng, cũng không phải bị tắt do tay đập rung mặt bàn làm tắt đèn, vì không có vệt khói bay lên. Vậy thì ánh sáng từ đâu tới cho toàn cảnh?
Nhìn chung toàn ảnh ta thấy ánh sáng phát ra từ trái và phía trước chứ không phải từ trên đổ xuống. Đúng ra ánh sáng từ nhiều hướng chụm lại. 

Theo tôi, ánh sáng toàn ảnh quá chói chang làm mất không khí gay cấn cần thiết cho ảnh này. Nhất là không thể có được loại ánh sáng ấy trong thời đại chưa có đèn điện như chúng ta ngày nay.

Mặt người có sự diễn tả mạnh hơn hết, phải là điểm chính của ảnh nhưng bị quá sáng và quá đều, xóa nhiều vết nhăn và bóng đổ cần thiết để tạo thêm chiều sâu cho ảnh. Gần như toàn ảnh là màu trắng và xám lợt. Xét sắc độ chung, ảnh khá lợt lạt, không nói lên được sức mạnh của gương mặt diễn tả cao độ. Chi tiết trên tường lôi kéo mắt người xem ảnh đi ra khỏi chứ không tập trung vào gương mặt người là chủ điểm của ảnh.

Nếu những chi tiết phụ không giúp ích cho ảnh, tôi nghĩ nên dìm xuống hết, chỉ cần tập trung vào gương mặt là nơi có sự diễn tả mạnh, là điểm chính, để thu hút người xem ảnh.

Xin lỗi tác giả và ban chấm thi cho tôi đùa chút chơi. Hãy tạm bỏ qua tất cả chi tiết đề cập bên trên, tôi chỉ chỉnh lại sắc độ đôi chút, những nét có sẵn trên ảnh không thay đổi, không thêm bớt. Mời các bạn so sánh hai ảnh bên dưới và rút ra bài học cho mình.

Tóm lại tác giả có kỹ thuật chụp hình rõ nét, nhưng không có đủ nghệ thuật để diễn tả nét động. Xin vô lễ hỏi quý vị giám khảo, bây giờ quý vị còn thấy ảnh nguyên thủy có đáng được thưởng $10.000,00 (đô-la) như quý vị đề nghị hay không? Quan trọng hơn, quý vị có chu toàn trách nhiệm được ban tổ chức cuộc thi tin tưởng và ủy thác không? 

 Với các bạn ảnh, bây giờ các bạn ảnh nên có ý kiến riêng, rút tỉa từ những bài học mà từ lâu mình đã miệt mài nghiền ngẫm, xem ảnh nào trong hai ảnh bên trang sau cho ta chủ đề rõ, mạnh hơn, quyết liệt hơn, mắt bạn không bị dẫn ra khỏi chủ đề và chủ điểm bởi những chi tiết không cần thiết? 

Nên nhớ chủ đề là phần chính của ảnh. Những chi tiết khác hợp lại, hoặc thêm vào, là để tôn chủ đề lên chứ không phải làm lu mờ hay làm chủ đề yếu đi. Nếu những yếu tố phụ không có lợi, cần phải lấy ra hoặc dìm chúng xuống. 

Câu tâm niệm: Nghệ thuật không thể hời hợt. 

(Để dễ so sánh, tôi đặt hai ảnh gần nhau.)

Hình nguyên thủy gửi dự thi

Hình do Lê Văn Khoa chỉnh lại sắc độ

Lê Văn Khoa

No comments:

Post a Comment