Saturday, April 30, 2022

Một Khóe Nhìn Khác by Lê Văn Khoa

Nhiều năm trước tôi có dịp nói chuyện với một người ảnh. Trong câu chuyện anh cho biết để khỏi bị ảnh hưởng của người khác, anh không xem ảnh của bất cứ người nào ngoài ảnh của anh. Ý tưởng có vẻ hay, nhưng chưa chắc. Có thể anh cũng không muốn cho ai xem ảnh của anh nên tôi không được xem ảnh nào mới của anh. Tôi nghĩ xem ảnh của người khác không phải là một điều nên tránh nếu mình không sao chép từng chi tiết của ảnh mình đã xem. Nếu không xem ảnh của người khác thì mình không biết trong thế giới nhiếp ảnh có gì mới lạ.

Trong 30 năm qua, ảnh có những bước tiến vượt bực. Ảnh không còn thuần túy ghi nhận trung thực những gì mình nhìn thấy trước mắt, nhưng ảnh trở thành phương tiện diễn tả những gì mình nghĩ trong đầu, những gì mình cảm trong tim, mà người xem có thể tiếp nhận dễ hơn ý tưởng trừu tượng, vì ảnh có chất liệu người xem dễ nhận ra. 

Tôi tin người tạo tác phẩm nhiếp ảnh cần mở rộng kiến thức để tùy nghi áp dụng cho tác phẩm của mình. Đừng sợ nguời xem không hiểu, cũng đừng ngại bị chỉ trích ảnh của mình không phải là ảnh.

Tôi không xúi dại bạn ảnh nhưng góp ý với những gì tôi đã làm và được minh chứng. Mời bạn xem ảnh “Say” tôi đã thực hiện trong thập niên 1960. Năm 1977, khi bảo quản viên của Baltimore Museum of Arts đi lùng xem tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ toàn tiểu bang Maryland, để thực hiện một cuộc triển lãm lưu động toàn tiểu bang, lúc nhìn thấy ảnh này, bà lắc qua, lắc lại và nói: “I’m drunk”. Khi lật ra phía sau ảnh bà thấy tựa đề là “I’m Drunk”. Xin nói thêm tôi là người ảnh duy nhất được chọn cho cuộc triển lãm lấy tên là “5 From The Eastern Shore” trong cuộc triển lãm lưu động 2 năm 1977-1979. Bốn người kia là họa sĩ Hoa Kỳ.

Say
ảnh Lê Văn Khoa

Bìa Tổng Mục Triển Lãm

Trong cuộc triển lãm ở St. Louis, Missouri, ký giả John Brod Peters, một nhà phê bình nghệ thuật được giải thưởng của báo giới Hoa Kỳ có viết bài nhận xét về tác phẩm nhiếp ảnh của Lê Văn Khoa, trong đó có ghi: “Nghệ thuật nhiếp ảnh của Khoa đưa ta về mọi miền cảm xúc và kinh nghiệm cuộc sống, liên tục buộc ta phải thấy tính nhất thể của con người mà lịch sử cứ mãi lập đi lập lại qua nhiều hình thức khác nhau từ nơi này qua nơi khác, từ thời này qua thời khác. Những tấm ảnh của Khoa không phải là cứu cánh, mà còn là phương tiện để thể hiện và hòa phối những cảm xúc trong tâm hồn của chính ông và của người thưởng ngoạn. Và để làm được điều ấy, ông đã thực hiện các tác phẩm của mình từ nhiều nguồn khác nhau, với sự cân đo hết sức chính xác của sự vật và phong cách.”
 

Đó là thời chưa có Photoshop. Nhưng với kỹ thuật của Photoshop trong những năm sau này, nhiếp ảnh đã tiến không phanh. Tôi xin lỗi vì làm mất thì giờ của bạn anh, nhưng muốn nhắn nhủ với các bạn: Cứ tiến tới, cứ khai phá dù chưa thấy ai làm như mình. Để giữ vững niềm tin, mời các bạn xem một số ảnh sau đây để tự định tầm giới của nhiếp ảnh, để ước tính con đường mình có thể đi và đoạn đường minh đã đi qua.

Ảo
Alexander Dviridor (Canada)

 
Âm - Dương
của Young Sue Chuen (Hong Kong)

Vô Để
Jerry N. Uelsmann (Hoa Kỳ)

Vô Đề
Jerry N. Uelsmann (Hoa Kỳ)

Không Tên
Jesús Miguel Muel de Dios (Tây Ban  Nha)

Khao Khát
Wu Skenje (Trung Hoa)

Vùng Đất Lỏa Thể
Ludek Wellart (Tiệp)

Trong những ảnh trên ta thấy có những ảnh đơn sơ và những ảnh vô cùng phức tạp. Ảnh số 4 và số 5 của một tác giả thì hình ảnh khác nhưng phương cách thực hiện giống nhau. Ảnh số 7 và 8 thì ý tưởng, chất liệu giống nhau nhưng cách thực hiện hơi khác. Ta không có ngày tháng tạo hình, nên không biết ảnh nào ra đời trước hoặc tác giả nào vay mượn ý tưởng của tác giả nào? Dù sao có một điều đáng kể là tất cả đã làm phong phú nhiếp ảnh. Bây giờ ta không chỉ thấy những hình ảnh rất thật ở trước mắt nữa mà vượt thoát để đi vào thế giới mộng tưởng của ngày mai.

 Lê Văn  Khoa 









No comments:

Post a Comment