Monday, December 28, 2020

Một Lời Khuyên

Thỉnh thoảng có người chưa quen nhưng biết tôi có chụp hình, hỏi tôi: 

- Ông Có Lời Khuyên Nào cho người mới chụp hình? 

Một câu hỏi nhỏ nhẹ nhưng ngầm chứa một thách thức lớn lao. Câu trả lời dễ hơn hết là: Bạn cần đi học chụp hình. Vì một lý do nào đó mà bạn không thể đến lớp nhiếp ảnh nhưng vẫn muốn chụp được ảnh đẹp, tôi đề nghị bạn nên học tắt, có nghĩa là học qua lỗi lầm của mình và qua tác phẩm thành công của người khác. Ðây là lối học trực tiếp, thực tế và nhanh chóng, tuy thiếu lý thuyết và chiều sâu của việc học. Việc đầu tiên là bạn phải biết sử dụng máy ảnh của mình. Ðọc quyển chỉ dẫn kèm theo máy ảnh mới mua, ghi nhớ và thực hành đúng. Khi biết sử dụng máy ảnh của mình rồi, việc đầu tiên là chụp ảnh rõ nét. 

- Làm sao để chụp ảnh rõ nét?

- Ống kính máy ảnh phải có khả năng chụp ảnh rõ nét. Máy ảnh ngày nay đều có khả năng thu hình rõ nét thích ứng cho việc chụp ảnh. Kế đến bạn phải lau mặt ống kính cho sạch. Chỗ chụp ảnh cần có ánh sáng đầy đủ. Giữ máy ảnh cho vững. Bấm máy nhẹ nhàng. Với máy ảnh tự động bạn không có nhiều lựa chọn. Với máy ảnh bạn điều khiển được, nên chọn tốc độ (shutter speed) cao để bắt đứng vật chuyển động (ảnh 1) cũng như giảm sự chuyển động của máy ảnh khi bạn bấm máy. Nên chọn chủ đề có chi tiết gồ ghề để lộ rõ điểm sáng và điểm tối (ảnh 2). Nếu muốn ảnh có chiều sâu nhiều (khoảng cách rõ: depth of field), ta cần đóng khẩu độ (aperture) nhỏ lại (ảnh 3). Số khẩu độ càng lớn thì khẩu độ đóng căng nhỏ (f. 16, khẩu độ nhỏ hơn f.11 và f.11 thì khẩu độ nhỏ hơn f.8 v.v...) khẩu độ càng nhỏ, bạn có khoảng cách rõ càng sâu. Khoảng cách rõ là phần ảnh thu hình rõ trước khi bị mờ lần. Chủ đề càng xa bạn, khoảng cách rõ ở trước và sau chủ đề ảnh càng sâu. Dù chủ đề ở xa người chụp ảnh – trên lý thuyết – khoảng cách rõ phải sâu, nhưng nếu thiếu sáng, không đóng khẩu độ đủ nhỏ đế lấy chiều sâu nhiều, khoảng cách rõ sẽ không nhiều lắm (ảnh 4). Ðể tránh chuyển động máy ảnh có thể bạn cần dùng chân ba càng (tripod).

Ðấy là những điểm căn bản bạn cần nhớ để ứng dụng ngay. Một dịp khác ta sẽ trở lại đề tài này với phần lý thuyết và dẫn chứng nhiều hơn. Chúc bạn chụp được nhiều ảnh thật rõ và thật đẹp. 
 
Ảnh 1
 
Ảnh 1. “Wasserski” của Alai Bumberger (Austria). Chủ để di chuyển nhanh. Nước bắn thật nhanh, thời đặt của máy ảnh thật nhanh để chận đứng mọi vật di chuyển. Xem những đốm nước bất động giữa không trung.

Hãy xem một ảnh tiếp sau đây:
 
Ảnh 2

 
Ảnh 2. “Pensive Mood” của Lalitha Abayasundara (Sri Lanka). Ta thấy ảnh rõ nét tối đa nhờ ánh sáng xiêng và gắt đổ lên da mặt và tạo bóng đen nơi vết nhăn của da. Tóc và râu cũng nhờ bóng đen để lộ rõ từng sợi. Cũng ánh sáng này nếu đổ lên da mặt mịn màng của cô gái hay đứa bé thơ, ta không thấy được rõ độ sắc nét của ảnh như bức chân dung này. Nếu dùng phòng tối loại cổ điển ta cần giấy và thuốc hiện hình với độ tương phản cao. Với photo shop ngày nay, cần tăng thêm độ tương phản.
 
Ảnh 3


Ảnh 3. “Wave” của Lưu Ngọc Thanh Kiều (California). Chú ý đến độ rõ nét từ điểm gần người chụp ảnh đến tận điểm xa. Ánh sáng gắt và chiếu từ phía trái tạo bóng đổ qua phía mặt làm nổi rõ những đường nhăn trên núi đá đỏ, xem như những đường nước chảy và uốn khúc của sóng tràn. Khẩu độ máy ảnh đóng nhỏ và máy ảnh được giữ thật vững.
 
Ảnh 4

Ảnh 4. “S Bend” của Peter David Harworth (Great Britain). Trời mù, ánh sáng dịu, người chụp ảnh không thể điều chỉnh khẩu độ thật nhỏ hoặc dùng thời đặt chậm để lấy chiều sâu thật nhiều mà cùng lúc có thể bắt đứng động tác của các tay đua. Ông đành dung hòa để có được hình. Không có ánh sáng gắt và bóng đổ nên ảnh không cho ta thấy rõ độ sắc nét.
 
Ảnh 5

nh số 5 “Vô Ðề” của Thùy Dương (California). Ánh sáng dịu chéo góc từ phía sau nên phía trước tối hơn nhưng cũng đủ để thấy ảnh rõ nét. Hậu cảnh xa và khác màu sắc nên không tranh giành ảnh hưởng với chủ đề.

Ðó là những nét rõ ở trên mặt và của chủ đề. Một điểm khác giúp ta nhìn thấy chủ đề dễ dàng là hậu cảnh. Trong ảnh 2 và 3, hậu cảnh tối đen nên không có gì kéo mắt người xem ra ngoài chủ đề. Ảnh 1 và 4 thì hậu cảnh hỗ trợ cho chủ đề. Ảnh trượt nước hậu cảnh là bức tường nước giúp đẩy chủ đề ra và cho biết sự liên hệ mật thiết giữa chủ đề và bối cảnh. Ảnh 4 đua xe đạp, nhờ góc độ cao và khúc quanh chữ S ta thấy được nhiều người đang đua xe. Ảnh này lấy bố cục hơn là một chủ đề sáng rõ. Tóm lại, muốn ảnh dễ xem đừng chụp ảnh với hậu cảnh quá phức tạp. Chú ý đến ánh sáng và bóng đổ. Giữ máy ảnh đừng nhúc nhích khi đang chụp hình.

- Bạn thấy các ảnh trên đều rõ nét và rất đẹp đó chứ. Nhưng bạn nghĩ sao nếu tôi nói không phải chỉ có ảnh rõ nét mới đẹp?

- Ông nói gì lạ vậy? Ông vừa nói phải chụp hình rõ nét kia mà.

- Vâng. Tôi có nói việc đầu tiên là chụp hình thật rõ nét. Khi bạn làm chủ được bước đầu chúng ta có thể bước qua phần kế tiếp chứ. Có đúng vậy không?

- . . . . . . . . . .


 
Lê Văn Khoa

1 comment:

  1. Xin cám ơn nhũng lời khuyên quí báu của NAG Lê Văn Khoa.

    ReplyDelete