Sunday, November 22, 2020

Nhìn Lại Một Chuyến Đi: Đảo Kalsoy và Kunoy

Như đã kể trong câu chuyện lần trước, sau khi chụp hình ở Trollanes xong (điểm số 7 trên bản đồ dưới đây) chúng tôi ghé đến ngôi làng Húsar (số 6 trên bản đồ) để ăn trưa nhưng không ngờ vì có sự hiểu lầm trong vấn đề giờ giấc nên chủ nhà đi vắng, không chuẩn bị buổi ăn cho chúng tôi như đã định. Chúng tôi lúng túng không biết phải giải quyết như thế nào vì trên đảo Kalsoy không có một tiệm ăn nào cả. Ólavur nghĩ ngay đến việc liên lạc với trung tâm hướng dẫn du khách (hospitality service) xem họ có giúp được gì không. Chỉ trong chốc lát họ gọi lại và cho biết có một gia đình ở ngôi làng Mikladalur (số 8 trên bản đồ) có thể sắp xếp buổi ăn trưa cho 5 người chúng tôi trong vòng nửa tiếng nữa. Tuy có chậm trễ một chút trong chương trình nhưng cũng không đến nỗi nào vì Mikladalur là điểm chúng tôi định sẽ đến sau buổi ăn trưa.

Những lúc gặp bất ngờ như thế này, chúng tôi càng thấy việc có một người địa phương làm hướng dẫn thật quan trọng.

Chúng tôi chụp vội một vài tấm hình ở Húsar rồi lên xe đi ngược lại Mikladalur để kịp giờ hẹn. Các ngôi nhà thờ ở những nơi chúng tôi ghé đến hôm nay trên hai đảo Kalsoy và Kunoy rất giống nhau, nếu không để ý đến màu của cánh cửa sổ nhỏ trên ngôi tháp của nhà thờ có lẽ sẽ không phân biệt được, chẳng hạn cửa sổ của nhà thờ ở làng này có màu nâu đậm.



Lúc chúng tôi lái xe đến Mikladalur thì ông chủ nhà ra tận đường cái để đón vì sợ chúng tôi tìm không ra nhà. Trước khi vào nhà, ông dẫn chúng tôi giới thiệu một hai điểm đặc biệt trên đường vào nhà ông, chẳng hạn như ngôi nhà màu đỏ có bánh xe quay nước xinh xắn nằm bên dòng nước nên thơ nho nhỏ. Trước đây nơi này là một chỗ làm việc, bây giờ trở thành một bảo tàng viện nhỏ chứa một vài loại máy móc cũ để du khách có thể biết được đời sống ngày xưa ở vùng này như thế nào.

Bên cạnh đó là một ngôi nhà thờ với kiến trúc y hệt như nhà thờ ở làng Húsar, chỉ khác là cửa sổ của ngôi tháp có màu vàng.

Lúc vào nhà, bà chủ nhà đã dọn sẵn thức ăn đầy bàn, hai ba loại bánh mì, thịt nguội, paté, mứt, sữa, cà phê, nước trà, nước trái cây và bánh ngọt cho phần tráng miệng. Tuy thức ăn rất giản dị nhưng thật đầy đủ khi ông bà phải chuẩn bị chỉ trong chốc lát cho những người khách lỡ đường như chúng tôi.

Sau khi ăn xong, ông chủ nhà dẫn chúng tôi đến thăm thắng cảnh nổi tiếng ở đây. Ngoài khung cảnh hoang dã và hùng vĩ của nơi này, Mikladalur được biết đến với bức tượng selkie (sealwoman) rất đẹp đứng sát bên bờ biển.

Theo truyền thuyết về Kópakonan - The Seal Woman, hải cẩu trước đây vốn được tin là người thường nhưng tự nguyện hy sinh thân mình cho biển cả. Mỗi năm cứ đến ngày Twelfth Night (12 ngày sau Giáng Sinh, tức là ngày mùng 6 tháng Giêng), họ được phép lên bờ, trút bỏ lớp da để thành người thường vui chơi và nhảy múa cho thỏa thích.

Một anh nông dân trẻ từ Mikladalur đã từng đến bãi biển đó để xem những điệu múa của họ. Hôm đó, anh thấy trong đám đông có một cô gái xinh đẹp trút bỏ lớp da của cô. Bị mê hoặc bởi sắc đẹp của cô, anh dấu lớp da của cô khiến cô không trở ra biển được rồi buộc cô phải cưới anh ta. Để giữ cô lại, anh giấu làn da của cô trong ngực và mang theo chìa khóa trong người cả ngày lẫn đêm. Họ sống với nhau khá lâu và có nhiều mặt con. Một ngày kia khi đi câu, anh phát giác là đã quên mang theo chìa khóa. Anh vội vàng dùng hết sức để chèo thuyền về lại nhà. Lúc về đến nơi thì vợ anh đã thoát ra biển, để lại con cái của họ. Trước khi đi, cô đã dập tắt lửa và dấu đi những vật nhọn để các con không bị nguy hiểm.

Một ngày kia, dân trong vùng dự định đi vào sâu trong những hang động để săn hải cẩu. Đêm trước đó, anh nông dân được vợ cũ báo mộng là khi đi săn, anh ta không nên giết con hải cẩu to lớn đang nằm ở lối vào và hai con nhỏ nằm bên trong vì đó là chồng và con sau này của cô. Cô tả rõ sắc da của chồng và hai con để anh nông dân có thể nhận ra khi gặp họ. Thế nhưng anh ta giấu đi giấc mơ của mình rồi nhập bọn với những người thợ săn và giết tất cả những con hải cẩu mà họ gặp dọc đường. Khi trở về, họ chia phần nhau và anh nông dân  nhận được con hải cẩu lớn cùng một phần của hai con hải cẩu nhỏ.

Buổi tối hôm đó, đang lúc nấu phần ăn của mình, anh ta bỗng nghe một tiếng động thật lớn ở phòng bên cạnh. Cô vợ cũ của anh hiện ra trong dáng của một người khổng lồ hung dữ, cô ngửi mùi thức ăn trong nồi rồi khóc lóc và tung lời nguyền: "Đây là đầu của chồng tôi, đây là tay của Hárek và chân cùa Fredrik. Từ nay các người sẽ phải đền tội. Tôi sẽ trả thù tất cả những người đàn ông ở Mikladalur. Các người sẽ phải chết trên biển cả hay sẽ rơi từ đỉnh núi cao cho đến khi những người chết có thể nối thảnh vòng tay bao quanh đảo Kalsoy mới thôi!"

Nói xong lời nguyền đó, cô biến mất sau một tiếng sấm lớn và không bao giờ hiện ra nữa. Cho đến nay, thỉnh thoảng vẫn có người bị chết đuối hay rơi xuống vực sâu. Một số người vẫn tin vào truyền thuyết này và lo lắng là số nạn nhân vẫn chưa đủ số để nối đủ vòng quanh đảo Kalsoy.

Đường xuống thăm tượng Sealwoman

Ngôi tượng này được đặt ở ngôi làng Mikladalur vào mùng 1 tháng Tám năm 2014. Tượng cao 2.6 thước và nặng 450 ký và được làm bằng đồng cùng loại thép không rỉ sét. Tuy ở sát biển nhưng ngôi tượng này có thể chống đỡ những ngọn sóng cao đến 13 mét (khoảng 4 tầng lầu). Vào đầu năm 2015, một trận sóng lớn cao khoảng 11.5 mét quét vào ngôi tượng này nhưng tượng vẫn đứng vững không một chút hề hấn (trận sóng này có thể được xem ở link sau đây https://youtu.be/6ULOiyjswhs)

Sừng sững giữa trời

Với cảnh đẹp chung quanh

Một tấm hình kỷ niệm

Vách núi bên cạnh tượng

*

Để chắc chắn không bị lỡ đò, chúng tôi lấy chuyến phà sớm để về lại bến Klaksvik rồi từ đó lái xe qua đảo Kunoy (số 9 trên bản đồ). Chúng tôi chụp một vài bức hình rồi về nghỉ sớm để chuẩn bị ngày mai trả phòng đi qua đảo Mykines.

Điểm đặc biệt của Kunoy là ngôi nhà thờ tuy cũng mái đó, cũng cùng kiến trúc như những nhà thờ ở các ngôi làng trên đảo Kalsoy nhưng ngôi nhà thờ ở đây nằm cao trên triền núi, tạo vẻ đẹp riêng biệt của nơi này.



Ở đây cũng như những ngôi làng khác ở trên Faroe Islands, người ta thấy bóng dáng quen thuộc của những ngôi nhà với mái cỏ xanh mướt.

Đứng trước khung cảnh mộc mạc giữa thiên nhiên tuyệt đẹp và thanh tịnh của hầu hết những ngôi làng trên Faroe Islands mà tôi đã ghé đến trong những ngày qua, người ta sẽ dễ quên tất cả những phiền muộn và vướng bận trước khi đến nơi này.


Hoa marsh marigold là loại hoa đặc trưng của Faroe Island. Trong thời gian tôi đến đây, hoa đã bắt đầu nở ở nhiều nơi. Chúng tôi chỉ cần đến trễ hơn khoảng hai tuần thì những cánh đồng xanh rì sẽ pha đầy những cánh hoa vàng.


Một ngày bấm máy hình mỏi cả tay và quần áo lem luốc đầy bùn vì những lối đi trơn trợt ở Trollanes nhưng thật trọn vẹn với vẻ đẹp mộc mạc của Faroe Islands!

Thật xứng đáng với cái công lặn lội đường xa...

Trần Dzung
August, 2018

1 comment:

  1. Rất cám ơn chị Dzung đã cho chúng tôi một chuyến đi du lịch hàm thụ với những hình ảnh tuyệt vời tại những hòn đảo xa xôi hẻo lánh mà cả đời không bao giờ tôi có cơ hội đến đó.

    ReplyDelete