Tuesday, June 30, 2020

Lạ Kỳ II

Nơi cuối bài trước tôi có đề nghị bạn ảnh thử tìm xem có thể khai thác thêm được hình ảnh gì từ mấy ảnh đã dùng trong bài hay không. Mấy người cho biết có thấy thêm vài ảnh khả dĩ khai thác được, nhưng cũng có người đề nghị tôi mở lối để gợi ý họ phải bắt đầu như thế nào.

Tôi xin nhắc lại, đây không phải là chụp hình thuần túy, nhưng là loại ảnh gợi ý cho ta thấy những gì giống hình thật. Dĩ nhiên ta cần chấm phá vài nét, thêm bớt ít nhiều để có hình ảnh mọi người nhận ra. 

Trong bài trước tôi dùng chữ “lạ kỳ” để chỉ lớp vỏ cây có hình ẩn ở bên sau lớp vỏ cây khác cũng có hình. Hôm nay bạn sẽ thấy lạ kỳ ở chỗ từ một ảnh khai thác rồi ta vẫn có thể tìm ra nhiều hình mới để khai thác. Mời bạn xem lại ảnh gốc tôi chụp ngày 8 tháng Ba năm nay, 2020, trước khi bị “giam” trong nhà vì dịch sưng phổi Vũ Hán tràn lan đến Hoa Kỳ. Đây cũng là ảnh mà bạn đã xem trong bài trước. Bạn thấy tôi có vòng nhiều chỗ trên thân cây. Trong mỗi vòng đều có ghi số. Đó là số vùng tôi chọn ra để làm hình cho bạn dễ dò xem, nếu muốn. Có những vòng mang hai số, như 2-3, hoặc 8-9, để chỉ từ vòng đó ta có được hai hình, hình số 2 và số 3 hoặc hình số 8 và hình số 9.




Trong bài học về bố cục, ta thấy thay đổi vị trí của chủ điểm, hình ảnh có thể khác hẳn và ý nghĩa cũng khác luôn. Xin nhớ điều này vì sẽ được dùng nhiều trong bài. Dĩ nhiên ta cần xóa bỏ những điểm hại và làm rõ những điểm lợi cho ảnh, là lối làm thông thường từ xưa tới nay. Với photoshop ta có thể làm dễ hơn và mạnh tay hơn lối chấm hình (retouch) ngày trước.
Hình 2 - Chú Bé I






Hình 3 - Chú Bé II
Thử đối chiếu hình số 2 với hình số 3. Thay đổi góc cạnh, ta có hai hình ảnh khác nhau hoàn toàn. Trong hình số 3 ta thấy con rắn xuất hiện, nhưng dữ dằn hơn con rắn trong bài “Thiện và Ác” từ hai tháng trước. Hai hình chụp cách nhau rất xa, về không gian cả thời gian. Nhưng vẫn có một đứa bé trai và con rắn, một thiện, một ác. Con rắn này không cuộn vòng, cúi đầu xuống đất, nhưng trườn mình tới, nhe nanh đang ngoạm cắn vào nạn nhân xấu số của nó. Phải chăng đây là hiện thân của con rắn Vũ Hán Trung Cộng đang hoành hành khắp nơi? Đó là thế lực ác muốn thống trị toàn thế giới? Chú bé không nhìn lên trời nữa mà nhìn thẳng về hướng con rắn, chuẩn bị cho cuộc chiến kinh hoàng. Chờ xem.
Hình 4 - Người Lính Trẻ

Thử xem lại ảnh Hai Mẹ Con trong bài trước, so sánh với ảnh này, để thấy việc cắt xén quan trọng như thế nào, trong bố cục. Một bà mẹ trẻ với khăn trùm đầu của thời cổ Âu Châu, bây giờ trở thành người tân binh trong quân phục, đầu đội nón sắt tân thời. Tôi không xóa vết thương nơi cổ, để tưởng nhớ người bạn, một chiến binh trẻ, không còn cơ hội trở về để gặp tôi như đã hứa. Chú ý vết vỏ cây bị xé toạt còn lưu lại dấu vết rất mới.

Hình 5 - Thần Lửa Kagutsuchi của Nhật
Có lẽ bạn thầm hỏi tại sao tôi chọn thần Kagutsuchi của Nhật để làm hình này. Các thần trong chuyện thần thoại thế giới hiếm có thần nào đội mũ gợi ý cho mão triều ngày nay. Chuyện thần thoại của Việt Nam có rất ít. Hình ảnh các thần càng hiếm hơn nên tôi không có gì để đối chiếu. Thần Lửa tức thần Kagutsuchi của Nhật thì có mũ triều gợi ý cho mũ này. Thần Lửa trong thời đại vách nhà của con người bằng giấy, thật đáng khiếp sợ. Phần vỏ cây bên trên đầu chú bé (vòng số 5 trong hình gốc) có hình dáng của thần này.

Hình 6 - Mong Chờ
Loại ảnh từ thân cây có nhiều gợi ý cho tranh siêu thực của hội họa. Những hình ảnh này có tính cách gợi ý hơn là chính xác, vì nguyên thủy nó đã không thực. Vỏ cây không có nhiều màu sắc, nên người làm hình tự ý thêm màu vào theo cảm nhận và thẩm mỹ của mình. Việc tạo vùng đậm lợt để nổi chủ đề cũng hoàn toàn thuộc về người tạo hình. Nhìn vào thân cây ta dễ thấy hình quái đản hơn hình người thật.

Hình 7 - Em Vẫn Còn Đây
Cùng hình số 6, nhưng hậu cảnh hình này được xóa nhòe. Bạn thấy chủ đề nổi rõ vì không có chi tiết nào khác lôi kéo cặp mắt bạn tìm nhìn thêm. Sự rõ mờ này tạo chiều sâu cho ảnh, chủ đề ở gần, những gì khác bị đẩy lùi ra xa. Nếu bạn không ghi nhận ảo ảnh này được lúc chụp ảnh, bạn vẫn còn cơ hội thực hiện khi làm ảnh.

Hình 8 - Mặt Nạ
Bạn đã thấy từ một góc của hình nguyên thủy, ta có thể có 2 ảnh như hình số 2 và hình số 3 trong các trang trước. Ở đây, từ vùng ảnh đã chụp, tùy cách thui, che, tùy lựa chọn góc cạnh và lối cắt xén, ta có hình 8 và hình 9 rất khác nhau. Như thế, từ kho hình bạn đã chụp lâu nay, chắc chắn có rất nhiều ảnh chưa khai thác. Một ngày đẹp trời nào đó các bạn cùng tung ra, trang chủ của Hội Ảnh Nghệ Thuật sẽ không đủ chỗ để in hết ảnh của các bạn.

Hình 9 - Không Còn Trẻ
Bạn thử đối chiếu hình số 8 và hình số 9. Hoàn toàn khác nhau do sự lựa chọn góc cạnh và thêm bớt vài điểm. Cũng hai hình này, bạn thử nhìn từ xa. Có thể bạn thấy hình số 8 là hình cô gái lịch lãm và hình số 9 là ông cụ lớn tuổi. Có thể bạn nhớ lại khi đi chụp ảnh bạn nhìn từ xa thì thấy lùm cây hoặc thân cây có hình dáng người hay con thú nào đó, muốn chụp hình rõ hơn, bạn đến gần thì hình kia biến đâu mất, bạn tìm mãi không ra. Trí và mắt nhiều khi đánh lừa nhau.   

Khi nói đến thời gian chúng ta thường nghĩ đến khoảng cách biệt không gần nhau lắm. Với nhiếp ảnh, chỉ một hình, muốn nói lên được khoảng cách này, thật không dễ. Vì vậy chúng ta cần những gì mình đã quen, và nó cũng là bằng chứng của khoảng cách mà mình đã từng biết qua, như vỏ cây. Vỏ cây nứt nẻ, tách rời những gì nguyên thủy là một thể kết liền nhau, gợi ý cho ta nhận ra khoảng cách của thời gian giữa phần trước và sau của hiện tượng đó.

Như đã thấy ở phần trước, cũng như ở đây, nếu ta lùi ra xa để xem hình này, hoặc thu hình nhỏ lại, ta sẽ thấy hình khác nhau.

Với hình nhỏ ta dễ nhận ra đầu người kẹt giữa hai khối đá. Mặt bị tách ra làm hai, từ con mắt trở xuống. Với hình lớn ta dễ thấy có một sọ người bị treo ngược. Nhưng có một điều lạ là nơi xương cổ nối với sọ người có hình Joseph Stalin mờ mờ. Hình này cũng giống Hitler nhưng tóc rẽ ngôi ngược chiều. Đầu người bị chặt, chém, đứt rời, da thịt tan rã hết, chỉ còn xương sọ. Tại sao có hình Stalin ở đây, California, Hoa Kỳ, trong khi Stalin ở Nga? Phải chăng thiên nhiên xác nhận dấu ấn bàn tay diệt
chủng kinh hồn của Stalin và dấu ấn này đã được ghi lại khắp nơi trên thế giới? 

Cộng sản thành hình từ hậu bán thế kỷ XIX. Trong 100 năm của thế kỷ XX có 100 triệu người bị cộng sản sát hại, tương đương với tổng số người chết trong đệ nhất và đệ nhị thế chiến trên toàn thế giới nhập lại.

Số người bị giết do cộng sản vẫn tăng thêm mỗi ngày trên khắp thế giới, nhưng vẫn còn nhiều người tự che mắt mình để nói rằng họ không thấy.

Hình 11 - Alien
Những hình mà chúng ta có trong bài này, từ đầu bài cho đến đây, mỗi hình chiếm một vị trí rất nhỏ từ hình gốc (số 1). Hình Alien chiếm diện tích lớn hơn hết. Như bạn thấy, chụp ảnh loại này không phải chủ đề lúc nào cũng lớn, cũng dễ nhận ra như người thật. Hình ảnh có tính chất gợi ý hơn là hình thật. Ta cần tập nhìn, nhìn nhiều, sống nhiều để đem kinh nghiệm đó truyền vào tác phẩm của mình. Lúc đầu có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng rồi sẽ quen và bạn sẽ nhìn ra ảnh dễ dàng hơn. Cần làm quen với các bộ môn tạo hình khác như hội họa, điêu khắc, để bổ túc qua lại cho nhau

Hình 12 - Giây Phút Cuối Đời

Mấy hôm nay dịch sưng phổi Trung Cộng có vẻ dịu lại đôi chút, để chuẩn bị tái phát, hay nó đã bị diệt trừ? Khó nói. Nhưng đã có rất nhiều người chết. Tôi không nhớ rõ đã đọc đâu đó, từ lâu, có người nói rằng, giây phút trước khi lìa đời, người sắp chết thấy quanh mình bỗng sáng lòa với màu sắc rực rỡ. Tôi chưa có kinh nghiệm này nên không hiểu nó như thế nào, nhưng hôm nay dùng lại ảnh Mẹ Già, thêm màu sắc bao trùm quanh bà để đón bà vào miền hiển vinh xa khỏi trần thế u tối, gian trá đáng sợ. Xin cầu chúc những người sắp lìa thế giới này đều được thấy ánh sáng huy hoàng và màu sắc rực rỡ mơ ước của đời mình trải đường, để giúp bước chân nhẹ thoát vào chốn thần tiên.

Tôi xin tạm dừng ở đây, vì nếu muốn, tôi có thể làm thêm năm ba ảnh nữa. Đó là chưa kể những ảnh mà bạn đã nhìn ra khác hơn tôi.

Bạn đã thấy đủ “Kỳ Lạ” chưa? Chỉ từ một thân cây mà trong hai bài qua ta đã có bao nhiêu ảnh? Thử nhìn quanh, ta thấy có bao nhiêu cây? Nếu có khóe nhìn nhạy bén, trí tưởng tượng phong phú, ta có thể thực hiện được bao nhiêu ảnh? Theo tôi điều kỳ lạ hơn hết là con người sống giữa thiên nhiên và thiên nhiên âm thầm ghi chép, lưu giữ mọi chi tiết của con người. Đến ngày phán xét cuối cùng, mọi bằng chứng sẽ hiện ra rõ ràng, không ai chối cãi được.

Đến đây bạn thấy dường như không có ranh giới nào trong sự sáng tạo, vì tác phẩm của bạn bao lớn, tầm mức bao xa (sáng tác) tùy giới hạn nơi trí bạn nghĩ ra. Mấu chốt ở chỗ “nghĩ ra”, tức tim, óc, để làm thành cái gì chưa có.

* * * *

Tôi tin bạn nhớ rõ câu nói “văn ôn, võ luyện”. Nhưng nhiếp ảnh thì sao? Câu trả lời dễ thôi: Nhiếp ảnh thì vừa ôn, vừa luyện và thực hành điều mình đã ôn và luyện. Bắt đầu từ bài tới, mời bạn ảnh cùng ôn và luyện với chúng tôi nhé.

Lê Văn Khoa – Một Người Việt Nam











No comments:

Post a Comment