Sunday, May 31, 2020

Lạ Kỳ

Bạn đi chụp hình chắc chắn đã gặp nhiều điều lạ xảy ra. Tôi chỉ nói đến một điểm: sự biến dạng nơi cảnh trường. Suốt khoảng thời gian dài chụp ảnh thế nào cũng có lần bạn không vừa ý với hình mình chụp, sau khi về nhà, lúc có thì giờ bình tĩnh xem lại ảnh. Bạn không vừa ý về bố cục, góc độ, ánh sáng trên chủ đề, kỹ thuật chỉnh máy ảnh v.v... Bạn ước tính phương tiện và ngày giờ để trở lại chụp ảnh khác. Đôi khi bạn không thể chụp lại được hình đó, vì cảnh cũ không còn như trong trí nhớ của bạn. Việc đó đã xảy ra cho tôi nhiều lần. Nhưng lần này hoàn toàn khác. Hôm nay tôi xin được chia sẻ với bạn một việc tôi cho là rất “lạ kỳ”.

Mỗi người có một lối chụp hình riêng. Tôi ít khi lặn lội, săn đuổi, truy lùng để tìm hình ảnh mong muốn. Tôi chụp những gì bất chợt hiện ra trước mắt tôi. Đối với loại ảnh Biến Thái (Converting Photography) tôi đã bắt đầu từ giữa thế kỷ XX và khai triển nhiều hơn từ đầu thế kỷ XXI, thì tôi chụp được hình như chó ngáp phải ruồi. Tôi chỉ chụp hình hiện ra mà tôi thấy. Mắt tôi không bén nhạy như nhiều ngưởi tưởng, vì nhiều hình đã hiện ra từ lâu, ngay trước mắt tôi, nhưng tôi không thấy dù mỗi ngày đi ngang qua nó cho đến hơn 20 năm sau tôi mới thấy. Rồi có những hình tôi thấy, tôi chỉ cho người khác xem thì không ai thấy. Các bạn tôi tìm lời giải. Họ cho vì cặp mắt tôi khác thường, người thì cho vì tâm linh, v.v... Xin tạm gác việc tìm lời giải, mời bạn tham dự vào một việc kỳ lạ trong một chuyến chụp ảnh Biến Thái mới nhất của tôi.

Cô con gái út ở cách nhà tôi 4 phút đi bộ, nên chúng tôi thường qua nhà cháu, nhiều khi đi bộ nhưng cũng có nhiều lúc lái xe qua. Chỗ đậu xe ở bên kia đường nhỏ đối diện với nhà cháu. Tôi thường đậu xe ở đó rồi bước qua nhà. Bên chỗ đậu xe có mấy cây thật to. Vỏ cây thường tróc ra theo thời gian, không có gì đáng chú ý.

Một hôm vừa đậu xe, tôi thấy có miếng vỏ cây lớn gần bằng bàn tay bung ra khỏi thân cây. Nó có hình dáng như một đứa bé trai trố mắt nhìn, miệng há hóc như đang theo dõi việc gì hấp dẫn lắm. Tôi bị lôi cuốn bởi nét linh hoạt hiếm có này nên ra khỏi xe, đến gần để quan sát kỹ hơn và chụp hình.

Chú Bé
Ảnh: Lê Văn Khoa (7-7-2019)

Chú bé này ở vào vị trí rất thấp. Tôi phải khom mình xuống để chụp hình. Vì không còn trẻ nên chụp xong mấy ảnh, tôi cảm thấy mỏi lưng và đau cả hai bắp vế. Tôi đứng thẳng người lên, nhắm mắt lại, ưỡn ngực để giãn gân, giãn cốt. Khi mở mắt ra, bước qua trái hai bước, nhìn lên cây, tôi suýt hét to. Một bà già cổ quái, rất lớn tuổi, đầu cúi gục xuống như sắp ngã, dáng điệu rất đau khổ, đang nhìn thẳng xuống tôi và miệng hé mở như muốn nói điều gì. Có lẽ bà đã quan sát, theo dõi mọi động tác, biết mọi ý nghĩ thầm kín trong đầu tôi. Bà từ đâu? Đến đây đã bao lâu rồi? Bà đem theo sứ mạng gì? Tôi không biết vì bà chưa chịu nói cho tôi. Chỉ biết đây là lần đầu tôi gặp bà.

Vài dây leo từ hàng rào mọc chồm qua, bám lên che mắt bà, quấn trùm lên trên các lớp khăn che đầu, loại chồng chất từng bực lên cao của phụ nữ Âu Châu thời Trung Cổ.
Mẹ Già
Ảnh: Lê Văn Khoa (7-7-2019)

Hình Mẹ Già này khá lớn, lớn hơn kích thước của đầu người thật. Những người trong khu gia cư này đi qua lại mỗi ngày, nhưng không ai nhìn thấy. Có thể họ không thích chụp ảnh nên không cần biết có gì lạ ngay trong khu nhà của mình. Thế tại sao mãi đến bây giờ tôi mới thấy dù tôi đậu xe ở đây rất nhiều lần, dù tôi thích chụp ảnh, nhất là loại ảnh Biến Thái này, là loại ảnh tôi đang khai thác? Ảnh thì có sẵn nhưng được che khuất mắt tôi cho đến thời điểm nào đó, sẽ lộ ra nguyên vẹn cho tôi. Đầu tháng Ba năm 2020, Hoa Kỳ bắt đầu báo động đại họa dịch sưng phổi Vũ Hán. Theo dõi tin tức, tôi biết cơ nguy sẽ đến Hoa Kỳ, nên vội đi chụp một ít hình, để nếu bị cấm di chuyển, thì ngồi nhà có việc làm cho qua ngày.

Lái xe đến nhà con gái tôi, với ý định xem có gì lạ với ảnh Mẹ Già quen thuộc. Tôi đậu xe lại, ngồi yên trong xe nhìn lên cây cổ thụ, tìm miếng vỏ cây chân dung bán diện Mẹ Già, thì thấy nó đã mất từ hồi nào rồi, chỉ để lại vết xẹo lớn. Nhìn đến chỗ Chú Bé ngày xưa. Cũng không còn. Thân cây nơi đó đã được tỉa dọn nhiều lần, nhưng lần này sạch sẽ hơn các lần trước. Thất vọng, tôi bỏ đi. Một lúc sau vì tò mò, tôi quay xe trở lại, xem thử có gì khác lạ nơi đấy không. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy phía trên chỗ miếng vỏ cây có hình Mẹ Già đã bị rơi mất, bây giờ có hình bà mẹ trẻ và hai đứa con. Hình này không thể kết thành trong thời gian ngắn, tại sao mấy tháng trước tôi không thấy dù đã chụp ảnh ở đây nhiều lần. Tôi chụp hình Mẹ và Hai Con về để so sánh và tìm lời giải cho mình.

Mẹ và Hai Con
Ảnh gốc, ngày 8 tháng Ba, 2020
Dường như quyển sách ảnh Mẹ Già được lật ngược, trở về những trang trước để tôi thấy thời son trẻ của bà. Đặc biệt hơn nữa, có hình ảnh hai đứa trẻ thơ. Một đứa dưới 1 tuổi, còn bồng trên tay, ở sát bên ngực bà mẹ. Đứa bé kia độ 3 hay 4 tuổi, có thể đi bộ theo mẹ. Kỳ lạ, hình ảnh hiện ra như một câu chuyện có thật?
 
Hai mẹ con ở khá cao, khỏi tầm tay. Tôi nghĩ lúc trước tôi không thấy hình này có thể vì: 1- Cành lá che khuất; 2- Có lẽ điểm quan trọng hơn cả là hình mặt bà mẹ già quá rõ, quá mạnh đã thu hút hết sự chú ý của tôi, nên tôi không tìm gì thêm. Mặt khác khi chụp loại ảnh này tôi không dọn dẹp hay dời bất cứ chi tiết nào dù là chiếc lá khô rơi nằm vào chỗ không nên có, nên khôngthể thấy hình ảnh bị che khuất. Đây là một điều lạ mà tôi mới gặp lần đầu: Hình có sẵn trên lớp vỏ cây, được che đậy bên dưới một lớp vỏ cây cũng có hình! Tôi chụp ảnh để về đối chiếu cho rõ thực hư.

Tôi làm hai hình lớn gần cùng kích thước như nhau, để song song cho dễ so sánh. Tôi tìm thấy gì? Mời bạn xem thật kỹ hai hình bên dưới, chú ý đặc biệt những vùng có vòng trắng. Bạn đã thấy
chưa?


Ba vòng trắng là vùng mặt của bà mẹ và mặt của hai đứa con, tương xứng ở cả hai ảnh. Ta tạm gọi ảnh Mẹ Già là ảnh 1 và ảnh Mẹ Trẻ và Hai Con là ảnh 2.

Khi không còn dây leo và lớp vỏ cây tạo thành mặt bà Mẹ Già bị kéo xuống, thì mặt bà mẹ trẻ hiện rõ ra. Cũng nhờ khi cắt dọn nơi này, người làm vườn đã đánh gãy một miếng vỏ cây nên sống mũi của người mẹ trẻ mới lộ rõ ra là sống mũi. Mặt của đứa con nhỏ cũng hiện ra rõ hơn và không bị nhiều chi tiết quanh đó làm loãng khóe nhìn của mình. Mặt của đứa bé lớn ở dưới thấp thì hoàn toàn không thấy trong hình số 1, vì lớp vỏ cây bên ngoài chưa bị rơi xuống. Vỏ cây bị tách hở, ánh sáng và không khí lọt vào, hình ảnh mới được hiện ra. Hơi nước ghi dấu thời gian. Ta thấy có dấu vết của lớp vỏ cây bên sau và bên ngoài chú bé này đã bị xé rách và dọn sạch. Nhờ quan sát những lỗ lõm, vết sần xùi, vết nứt, lốp nổi, vết rách còn mới của ảnh 2, đối chiếu với vỏ cây cũ của ảnh 1 v.v... để thẩm định độ xác thực của hình ảnh. Điều làm tôi không hết ngạc nhiên là độ chính xác của các điểm như mắt, mũi, miệng trên thân cây gần đúng như người thật. Trong khi đó để nhấn mạnh phần diễn tả, tùy theo trường phái hội họa mà các họa sĩ cố tình dời các bộ phận cách xa vị trí thiên nhiên của chúng.
 
Thú thật, khi chụp ảnh này tôi chỉ nhắm vào hai mẹ con mà không quan tâm lắm đến đứa bé trai bên dưới. Ta nên cho chủ đề tập trung vào một chỗ cho dễ xem. Nếu phân tán ra nhiều điểm rải rác trên khắp mặt ảnh, người xem khó tập trung vào chủ đề. Vì vậy nhiều khi ta phải bỏ bớt chi tiết dù là chi tiết thật đẹp. Mời bạn xem ảnh Mẹ Con như ý nghĩ ban đầu của tôi, ở dưới đây.

Mẹ Con
Ảnh: Lê Văn Khoa (8-3-2020)
Khi chụp ảnh, tôi ước mong chỉ được một ảnh, nhưng điều lạ kỳ là tôi đã chụp được nhiều ảnh ngay tại gốc cây này. Và ngay trong ảnh Mẹ Con, tôi thấy có nhiều hình khác nữa. Nếu các bạn chưa thấy mệt với loại ảnh này, kỳ tới tôi sẽ giới thiệu vài ảnh khác thoát ra từ những ảnh này. Tôi xin đề nghị một trò chơi nhiếp ảnh và mời bạn tham dự cho vui. Xin bạn cho biết bạn thấy được ảnh gì khác, để đối chiếu với ảnh tôi sẽ trình bày kỳ tới. Bạn không cần làm ra hình. Chỉ khoanh tròn và cho biết bạn thấy gì trong đó. Hy vọng bạn thấy khác hơn để chúng ta phong phú hóa hình ảnh và tạo linh động cho trò chơi này nếu nó trở thành trò chơi nhiếp ảnh. 
Lê Văn Khoa, Một Người Việt Nam.

No comments:

Post a Comment