Tuesday, August 29, 2017

Một Bài Học



Mấy năm trước tôi đến thăm gia đình của một anh chị bạn ở Houston. Theo lối trang trí thì chủ nhà rất thích nghệ thuật. Trên tường có tranh, có ảnh, trong phòng có loa, có đàn. Một ảnh đen trắng thật đẹp treo trên tường, bên cạnh cây baby grand piano đen bóng thu hút tôi. Không cưỡng chế nổi, tôi lần bước tới xem. Ðó là một ảnh đen trắng mà tôi tin chắc có nhiều người đã thấy vì có bày bán ở ngoài phố. Ðang xem ảnh, tôi buột miệng nói:
- Xin lỗi ông...
Anh bạn tưởng tôi nói chuyện với anh ta, hỏi lại:
- Anh vừa nói gì?
Tôi đáp:
- Không có gì, tôi chỉ nói xin lỗi với tác giả bức ảnh này thôi mà.
- Tại sao?
- Ông đã đánh lừa nhiều người... Cũng có thể ông tự bị lừa mà không biết.
Anh bạn tôi thắc mắc:
- Ông ấy tự mình bị lừa à? Mà tại sao anh nói vậy?
- Nếu ông ấy là tác giả hình này, tự chụp hình, tự làm hình thì tôi phải khen ông có tài cao, chụp hình rất đẹp. Nhưng... tôi phải nói lời xin lỗi...

Anh bạn nhìn tôi, ánh mắt hoang mang nhưng không hỏi thêm. Anh biết tôi là người biết chụp hình, khi nói vậy, chắc tôi có ý gì. Tôi xin phép anh chụp lại ảnh đó để chia sẻ với người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.



Ðây là ảnh đen trắng, không lớn lắm, cỡ 8x10, trong khung kim loại màu đen, bìa mỏng, cỡ 10x16. Tôi khen ảnh đẹp và hỏi anh ảnh này của ai tặng hay anh mua. Anh trả lời là mua nơi tiệm bán khung hình. Anh bạn giải thích thêm anh mua ảnh đó vì nó hợp với lối bày trí trong phòng: Trắng và Đen. Nhà có tường trắng, bàn ghế và đàn piano loại baby grand đều màu đen, nên anh cũng treo ảnh trắng đen trong phòng chứ không phải ảnh màu, cho hợp cách. Lối trang trí tao nhã và có ý thức thẩm mỹ cao.

Tác giả bức ảnh đã rất cẩn thận ghi tên ảnh, có thể là địa danh vì ảnh thuộc loại phong cảnh, tên tác phẩm và năm chụp ảnh bên trái của ảnh. Bên mặt có chữ ký của tác giả (xin không ghi ra đây) thật mỹ thuật. Tên ảnh là Yucca, Dune and Moon, 1982 làm tôi lúng túng, không biết tác giả ghi tên vùng sa mạc Yucca Valley ở San Bernadino, California, hay tên loại cây yucca để dùng làm chủ đề cho ảnh này! Có thể đó là tên địa điểm chụp ảnh.



Như đã nói ở trên, đây là một ảnh đẹp, có sự tương phản mạnh giữa trắng và đen. Chi tiết đầy đủ từ hột cát thật gần đến mặt trăng xa tít, vẫn có chi tiết. Ảnh có trắng, có đen, có bóng đổ tuy tĩnh nhưng linh động. Công thực hiện ảnh của tác giả thật đáng khen. Ảnh được in hằng loạt theo lối kỹ nghệ in ấn, chắc chắn tác giả đã thu được rất nhiều tiền. 

Tới đây tôi xin hỏi bạn một câu: “Có bao giờ thoạt nhìn một cô gái, bạn thấy cô ấy thật đẹp, thật quyến rũ, nhưng khi quan sát kỹ từng bộ phận, mặt, mắt, mũi, miệng v. v. . . bạn cảm thấy thất vọng?” Nếu có, tôi tin bạn sẽ có cảm nghĩ giống vậy sau khi xem kỹ ảnh này. Mời bạn xem ảnh.

Ảnh có bố cục tốt. Tác giả muốn nhấn mạnh một bụi cỏ trơ trọi giữa bãi cát mênh mông hoang vắng trong đêm trăng. Ý hay. Lối chụp ảnh không dễ thực hiện. Nó có thể là một ảnh quý.

Mời bạn lưu ý vài điểm. Nhìn vào vị trí mặt trăng ở giữa chiều ngang của ảnh, bạn thấy có nghịch mắt không? Nhưng tai hại hơn rất nhiều khi so sánh vị trí của mặt trăng và chiều hướng bóng đổ của bụi cỏ, của vân cát, nếu ảnh đó được thu hình với ánh sắng trăng.  Ta thấy chúng không có một chút liên hệ gì với nhau mà còn chỏi nhau rất nặng. Theo tôi, ảnh chụp gò cát và bụi cỏ được thực hiện trong lúc trời nắng gắt. Chắc chắn nền trời trống không hấp dẫn, nên tác giả ghép mặt trăng vào cho có vẻ thơ mộng và thêm chi tiết cho ảnh. Việc làm đó không có gì sai quấy nếu làm đúng, nhưng tác giả quên chi tiết quan trọng là chiều hướng ánh sáng mặt trời và vị trí mặt trăng rất khác nhau ngay trong ảnh này, thành ra không thể dùng ánh sáng mặt trời thay cho mặt trăng. Nếu mặt trăng mọc từ hướng Ðông, thì bóng đổ phải ngả qua hướng Tây. Tại sao bóng đổ trong ảnh này lại từ Đông Bắc xuống Tây Nam? Nếu tác giả có kỹ thuật chụp ảnh cao, chuẩn bị đầy đủ trợ cụ cần thiết, và nếu dùng đèn nhân tạo phụ vào để chụp ảnh này, thì đèn phụ là chính hay mặt trăng là chính nếu muốn diễn tả đêm trăng? Trong thực tế ánh sáng trăng tỏa dịu, không thể cho bóng đổ bụi cỏ gắt và sắc nét như ảnh này. Nếu ảnh chụp với ánh sáng đèn, dù đèn có ánh sáng gắt nhưng không thể tỏa đều trên một khoảng trống rộng lớn qua nhiều gò cát như trong ảnh này.

Bạn có thấy ánh sáng trên cát, phần nhận ánh sáng từ mặt trăng? Ở đây mặt cát, nơi nhận ánh sáng từ mặt trăng lại sáng mạnh hơn chính mặt trăng là nguồn ban sự sáng cho cảnh vật lúc ấy. Có lý chăng?

Tôi nghe dường như có bạn lý luận rằng có thể tác giả chụp hình buổi chiều, lúc mặt trời còn sáng vào ngày có trăng lên sớm nên thấy mặt trăng luôn?

Với độ đậm của bóng bụi cỏ ta biết trời còn rất sáng, và ánh nắng rất mạnh. Lúc đó rất khó thấy được mặt trăng.

Một lý luận khác: Có thể vì tác giả chụp ảnh đen trắng, dùng kính lọc màu đỏ để trời xanh trở thành đen, như cảnh đêm? Hoặc ảnh được chụp với phim infra red với kính lọc màu đỏ nên cát vàng trở thành trắng và trời xanh chuyển qua đen?


Lý luận này rất thuyết phục, nhưng góc độ và vị trí mặt trăng không đúng với hướng bóng đổ chút nào, do đó những lập luận trên không vững. Nên nhớ phương Đông và Tây hoàn toàn ngược nhau. Mặt trăng mọc và mặt trời lặn ở vị trí đối nghịch chứ không thể cùng hướng nhưng lệch qua một bên như trong ảnh này. 

Trăng ở giai đoạn có hình thể nào lúc hiện tượng đó xảy ra?

Với ánh sáng mạnh của mặt trời khi còn khá cao, bầu trời đã tối đen chưa? Nếu mặt trời chưa dịu bớt ánh sáng, có thể thấy hình thể mặt trăng với chú Cuội không? Bạn sẽ thấy câu trả lời của bạn giải đáp tất cả những nghịch lý của ảnh này.

Hơn nữa ở góc độ đó của mặt trăng, nếu ảnh được chụp hoặc được gợi ý là ảnh chụp với ánh sáng trăng, thì ánh sáng có đủ mạnh để tạo tương phản rất gắt cho người chụp ảnh giữ trọn vẹn bóng đổ sắc nét với loại phim ảnh thời đó chăng?

Nhìn ảnh kỹ hơn, ta thấy ảnh có nhiều đốm sáng, mất chi tiết, như vùng sáng bên trên (trái) bụi cỏ này. Ảnh được in trên giấy láng nên chỗ sáng đó trông như mặt đá cẩm thạch được đánh bóng thật kỹ, hoàn toàn không có chi tiết nào, đến cả một hạt bụi cũng không. Trong thực tế không thể có hiện tượng đó trên gò cát. Không có chi tiết trong một mảng lớn là điểm nên tránh trong một tác phẩm ảnh nghệ thuật.

Tác giả ghép ảnh nhưng để lộ những mãng xám trên gò cát, dụng ý tránh đường cắt thẳng lộ liễu giữa gò cát và bầu trời, nhưng người xem có thể hiểu những chỗ ấy bị bóng mây che phủ từng vùng trong ngày nắng gắt trong khi bầu trời không có chút mây đen.

Bạn có để ý khoảng cách rõ của ảnh khá sâu, chứng tỏ ánh sáng quá mạnh, phải khép khẩu độ xuống thật nhỏ, nhưng vì chủ điểm là bụi cỏ, tác giả nhắm vào đó nên phần gò cát phía xa mờ dần theo luật của khoảng cách rõ. Thế nhưng vầng trăng ở nơi xa tít trong vô cực lại rõ nét. Điều đó cho ta biết chắc chắn đây là một ảnh ghép. Một ảnh ghép đẹp, nhưng có nhiều sơ hở thành ảnh tuy đẹp mà không còn giá trị. Đáng tiếc.

1 comment:

  1. Thưa các bạn,
    Để góp ý, tôi xin nói thêm một chi tiết về mặt trăng trong hình. Các bạn nhìn cái bóng bụi cây như anh Khoa đã nói trên là do mặt trời ở phía tay trái, trong lúc đó nếu ta zoom rõ nhìn mặt trăng ta thấy mặt trời nằm bên tay phải. Theo tôi nghĩ, không cần đến đôi mắt của NAG mà chỉ cần tí hiểu biết luật sơ đẳng về ánh sáng chúng ta đã có thể kết luận mặt trăng được ghép một cách vụng về. Thân kính! /Hoàng Hy

    ReplyDelete