Monday, February 1, 2021

Mờ Ảo

Cách nay khá lâu, một trung tâm sản xuất video nhạc Việt Nam ở Little Saigon có hỏi xin tôi một ảnh lính chiến để họ dùng cho video đang chuẩn bị phát hành. Tôi đem cho họ bức ảnh Tấn Kích dưới đây. Họ xem ảnh rồi nhận xét: “Hình gì mờ nhòe hết làm sao dùng được?”

TẤN KÍCH - Lê Văn Khoa

Tôi mỉm cười, xin lại ảnh rồi đi ra.

Có lẽ biết mình hớ, nhân viên ấy gọi tôi lại, nhưng tôi không bao giờ trở lại.

Kỳ trước các bạn đã xem ảnh chụp thật rõ nét, có người công nhận rất khó chụp được như vậy. Hôm nay tôi giới thiệu với các bạn những ảnh không rõ nét, và xin được nói trước, khó chụp hơn rất nhiều.

Ảnh mờ nhòe thì có nhiều lý do, có thể do ống kính không sạch, bị rung tay khi chụp ảnh, lấy nét không kỹ, thời đặt quá chậm trong khi chủ đề di động mạnh v.v...

Nhưng phần lớn có thể do bạn cố ý tạo nét động lạ cho ảnh chứ không phải không biết chụp hình. Đây là loại kỹ thuật đã trau dồi để làm chủ lấy máy ảnh khi bạn chụp hình. Như vậy hình ảnh mờ nhòe là do sự cố ý tạo dựng để bạn nói lên điều mình muốn người xem cùng thấy với mình mà không cần nhiều lời giải thích.

Sự rủi ro đụng chạm lúc chụp ảnh có thể làm cho ảnh bị chao mờ. Nhưng rủi ro có thể không xảy đến thường, còn cố tình làm mờ thì có nhiều cách và người ảnh tùy trường hợp, tùy mục đích mà áp dụng kỹ thuật độc đáo của mình.

Ảnh rõ nét có nét đẹp của nó, ảnh mờ có dáng mơ màng riêng. Câu nói này có vẻ trái ngược với bài Nên Chụp Ảnh Rõ Nét kỳ trước. Thật ra việc gì cũng có hai khía cạnh. Ðó là sự tương phản. Nếu ta dùng đúng thì sự tương phản rất có lý. Cái tương phản ta thấy ngay trước mắt trong xã hội loài người là có những người nghèo nhưng rất rộng lòng giúp đỡ người khác, trong khi đó có những người rất giàu nhưng lúc nào cũng khóa kín tủ sắt. Trở lại vấn đề nhiếp ảnh, có ảnh rõ nét thì cũng có ảnh mờ nhòe.

Hôm nay mời các bạn xem một ít ảnh mờ nhòe và thử thẩm định giá trị của những ảnh ấy.

THE TANGO - Evelyn Gibson

Trước hết mời bạn xem ảnh “The Tango” của Evelyn Gibson (Nam Phi). Ảnh chụp trên sàn nhảy, ánh sáng yếu từ ngọn đèn trên trần nhà chiếu xuống, hai vũ công đang linh hoạt với điệu vũ hấp dẫn miền Nam Mỹ. Người ảnh để thời đặt hơi chậm để ghi nhận nét linh động của hai vũ công. Ta không thấy rõ mặt người, nhưng nhận được hình dáng. phần tương đối rõ nhất là chân trần trái của cô gái. Tuy chỉ thấy chừng đó nhưng có vẻ sexy lắm rồi. Ảnh mờ cho ta nhiều tưởng tượng hơn ảnh rõ.

Cái mờ của The Tango là nét mờ của chủ đề di động nhanh trong khi thời đặt của máy ảnh khá chậm. Tác giả cố ý ghi nhận nét động của vũ công.

Bây giờ thử xem một ảnh sương mù do Maurizio Leoni (Ý) chụp, lấy tên là Sogno. Sương mù không dầy lắm, đủ che mờ phần ảnh ở xa. Ảnh này chụp lúc sáng sớm. Ta thấy được con đường đi giữa hai hàng cây to có cành lá rậm rạp. Những lõm sáng tỏa màu trắng đục tạo cảm giác lạnh. Hình ảnh chú bé ngồi xe lăn đi trong sương sớm gây cảm giác lạnh hơn, cô đơn và buồn hơn, mặc dầu có người cỡi ngựa đi phía sau để trông chừng em bé. Người cỡi ngựa không thấy rõ để ta nhận ra chú bé là chủ đề chính của ảnh.

SOGNO - Maurizio Leoni

Một ảnh mờ khác, Baum II của Paul Hanzlik (Tiệp). Ảnh này thực sự đưa ta vào cõi mộng mơ. Màu sắc nhẹ pha lẫn màu ấm và lạnh rất hài hòa. Tuy là ảnh nhưng Baum II có chất liệu như là một bức tranh pastel, nhẹ nhàng, êm ái, làm dịu tâm hồn người xem. Ðây là loại ảnh mờ mà mọi người ao ước mình chụp được.

BAUM II - Paul Hanzlik

Tới đây bạn không khỏi tự hỏi các ảnh trên do người chụp không biết sử dụng máy ảnh mà ra hay cố tình tạo nên? Bạn đã xem The Tango, chưa xác nhận được sự cố tình tạo ảnh mờ của tác giả. Mời bạn xem một ảnh khác của cùng tác giả Evelyn Gibson (Nam Phi) có tên là I Will Help You, để thấy chủ tâm của nhiếp ảnh gia. Ảnh này mờ nhòe hơn The Tango nên tạo ấn tượng càng mạnh mẽ hơn ảnh trước. Không cần hình rõ, với vài vệt màu ta có thể biết dây là những người đua xe đạp tiếp sức. Ảnh chụp với tốc độ chậm và kỹ thuật di máy ảnh (pan) để tạo lối ảnh người ta không trông thấy thường ngày.

I WILL HELP YOU - Evelyn Gibson

Ảnh tiếp theo là Flapping Wings của Bob Clothier (Úc). Chúng ta đi từ những ảnh còn thấy rõ đến ảnh I Will Help You của EVELYN GIBSON (Nam Phi) thì gần như không còn nhận ra được người ảnh chụp ảnh gì. Từ những vật thể rất thật là người, bây giờ chỉ còn những vệt mờ rất trừu tượng.

Với bức ảnh Tung Cánh Chim (Flapping Wings) của Bob Clothier (Úc), người xem không còn chú ý vào một điểm nào. Những vệt mờ của đàn chim trắng chớp cánh bay lên trời cao cho ta thấy trong hỗn loạn có tiết nhịp đồng điệu, sảng khoái trên nền trời tự do.

FLAPPING WINGS - Bob Clothier

Các bạn ảnh thân mến,  

Tuy không báo trước, nhưng các bạn và tôi cùng nắm tay nhau chụp bắt những ảnh rất thật trước ống kính. Rồi cũng bằng phương cách ấy, chúng ta lùng tìm và ghi nhận những hình ảnh ta thấy qua trí óc và tâm hồn hơn là nhìn qua với cặp mắt ngày thường. Tuy chỉ là khoảng đường rất ngắn trước mặt, nhưng thật ra đó là một bước khá dài trên con đường nghệ thuật. 

Hỵ vọng các bạn vững bước, mạnh tiến tới mãi mãi.

Lê Văn Khoa